Các chuyên gia và đại biểu tham dự buổi Họp góp ý chuyên gia Ghi nhận và Giám sát Ung thư trong Kế hoạch Phòng chống Ung thư
Vai trò của ghi nhận ung thư tại Việt Nam
Ghi nhận ung thư đóng vai trò quan trọng và là một cấu phần quan trọng cốt yếu trong Chương trình Phòng chống ung thư quốc gia. Việt Nam thành lập đơn vị ghi nhận ung thư đầu tiên tại Hà Nội vào năm 1987. Hiện tại, có 9 đơn vị ghi nhận ung thư phân bố đều khắp cả nước, bao gồm: Hà Nội, Thái Nguyên, và Hải Phòng ở miền Bắc; Thanh Hóa, Huế và Đà Nẵng ở miền Trung; TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ và Kiên Giang ở miền Nam. Các đơn vị ghi nhận tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là đơn vị ghi nhận ung thư quần thể, trong khi các đơn vị khác hiện là đơn vị ghi nhận ung thư bệnh viện. Đơn vị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh được khảo sát cho thấy có chất lượng thực hành và số liệu ghi nhận là tốt nhất trên cả nước.
Viện Ung thư Quốc gia, Bệnh viện K đã tổ chức buổi họp góp ý chuyên gia về Ghi nhận và Giám sát Ung thư trong Kế hoạch Phòng chống Ung thư
Nhằm mục đích thu nhận ý kiến chuyên gia góp ý dự thảo nội dung định hướng hoạt động ghi nhận ung thư trong kế hoạch phòng chống ung thư và chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế. Viện Ung thư Quốc gia, Bệnh viện K, đã tổ chức buổi họp góp ý chuyên về Ghi nhận và Giám sát Ung thư.
Tham dự buổi họp có TS. Trần Quốc Bảo - Trưởng phòng Kiểm soát Bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng; TS. Lại Đức Trường - Tổ chức Y tế Thế giới; TS. Les Mery - Cơ quan Nghiên cứu Ung thư quốc tế (IARC); PGS.TS. Trần Thị Thanh Hương - Phụ trách Viện Ung thư Quốc gia; TS. Tomohiro Matsuda - Trung tâm Ghi nhận Ung thư Nhật Bản; Bà Mine E Metitri - Phó giám đốc Chương trình Ghi nhận Ung thư, Tổ chức Vital Strategies cùng với sự tham gia của các đồng nghiệp thuộc các đơn vị ghi nhận ung thư trên cả nước cũng như các thầy cô, anh chị thuộc chuyên ngành dịch tễ học, thống kê; các nghiên cứu sinh và các học viên, sinh viên ngành y quan tâm tham dự.
Chia sẻ của TS. Trần Quốc Bảo, Trưởng phòng Kiểm soát Bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng: “Chúng ta cần thúc đẩy quá trình luật hóa, đưa ra các quy định về việc thực hiện báo cáo số liệu ghi nhận ung thư, trong đó có sự hỗ trợ của Bộ Y tế về mặt pháp lý trong việc thu thập và bảo mật dữ liệu ghi nhận ung thư. Ngoài ra, cần tập trung nâng cao năng lực cho các cán bộ và ứng dụng công nghệ thông tin trong ghi nhận ung thư để nâng cao chất lượng cũng như mở rộng mạng lưới ghi nhận ung thư”
“Khó khăn chung của các đơn vị ghi nhận ung thư hiện nay là chưa nhận được hỗ trợ từ ủy ban nhân dân địa phương, các cán bộ chưa có hứng thú tham gia hoặc chỉ tham gia trong thời gian ngắn. Ngoài ra, ghi nhận tử vong vẫn còn là điểm yếu của các đơn vị ghi nhận ung thư tại Việt Nam” – PGS. TS. Trần Thị Thanh Hương, Phụ trách Viện Ung thư Quốc gia bày tỏ.
TS. Les Mery, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế chia sẻ: “Hiện nay cần nâng cao chất lượng ghi nhận của hai đơn vị ghi nhận ung thư quần thể tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Cùng với đó, cần chú ý nâng cao năng lực cán bộ ghi nhận ung thư kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin”