1. Khái niệm:

Ung thư vú là các tế bào bất thường gọi là tế bào ung thư phát triển từ những tế bào ống tuyến (ống dẫn sữa) hay những tế bào thùy tuyến (tế bào tạo sữa) của vú. Ung thư vú có thể gặp ở cả hai giới nhưng thường ít gặp ở nam giới.

  1. Các yếu tố nguy cơ:

Hiện tại chưa biết chính xác nguyên nhân gây ra ung thư vú. Các yếu tố nguy cơ của ung thư vú gồm có:

  • Tuổi: tuổi càng cao thì nguy cơ mắc càng tăng và cao nhất là trên 60 tuổi.
  • Tiền sử mắc ung thư vú: nếu đã mắc ung thư vú một bên thì bên còn lại cũng có nguy cơ mắc ung thư vú cao.
  • Tiền sử gia đình: nguy cơ mắc ung thư vú sẽ cao nếu như có mẹ hoặc chị, em gái mắc ung thư vú. Nguy cơ cũng tăng nếu như người phụ nữ có cô, dì, bác ruột hai bên nội ngoại mắc ung thư vú.
  • Những biến đổi gen: thay đổi của các gen BRCA1, BRCA2 làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Biến đổi gen.
  • Một số vấn đề về sức khỏe sinh sản: có con muộn hoặc không sinh đẻ, dậy thì sớm (trước 12 tuổi), mãn kinh muộn (sau 55 tuổi), dùng nội tiết tố thay thế ở thời kỳ mãn kinh,… làm tăng nguy cơ ung thư vú.
  • Chủng tộc: Ung thư vú hay gặp ở phụ nữ Latin, châu Á hoặc Mỹ gốc Phi.
  • Tiền sử điều trị tia xạ vào vùng vú làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
  • Béo phì sau khi mãn kinh: nội tiết tố estrogen được sản sinh một phần tại mô mỡ, béo phì làm cho lượng estrogen tăng cao và đây là một yếu tố có thể dẫn đến ung thư vú.
Béo Phì
  • Người ít hoạt động thể chất sẽ có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn.
  • Uống rượu bia nhiều cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.
  1. Các biện pháp phòng ngừa.

Không có cách nào giúp ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ ung thư vú nhưng một vài thay đổi trong cách sống cũng có thể giảm đáng kể nguy cơ phát triển của căn bệnh này:

  • Hạn chế uống rượu, bia.
  • Tăng cường vận động thể chất.
  • Duy trì cân nặng cân đối, ổn định.
  • Định kỳ hằng tháng tự kiểm tra ngực và vú.
  • Sau 40 tuổi nên đi chụp X quang tuyến vú một lần/ năm.

Theo Những điều cần biết về phòng chống ung thư.

Chủ biên: GS.TS Nguyễn Bá Đức