1. TỔNG QUAN

          Ung thư vú (UTV) là ung thư phổ biến và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ trên thế giới. Tại Việt Nam, theo thống kê của Globocan năm 2020 ước tính có 21.555 ca mắc mới và 9.345 ca tử vong do ung thư vú.

          Sàng lọc và phát hiện sớm UTV luôn là vấn đề ưu tiên của chương trình phòng chống ung thư ở các nước. Các lý do để tiến hành sàng lọc và phát hiện sớm UTV:

          - Đây là bệnh ung thư thường gặp nhất ở nữ.

          - Bệnh có thể phát hiện được ngay cả khi chưa có biểu hiện lâm sàng.

          - Điều trị mang lại hiệu quả cao đặc biệt ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống thêm 5 năm đạt 100% ở giai đoạn tiền lâm sàng (giai đoạn 0), 95% ở giai đoạn I, 80% ở giai đoạn II, 72% ở giai đoạn III và chỉ còn 25% ở giai đoạn IV.

          - Phương pháp sàng lọc có độ chính xác cao, giá thành ở mức chấp nhận được.

          - Sàng lọc ung thư vú có thể thực hiện rộng rãi trong cộng đồng.

  1. CÁC PHƯƠNG PHÁP SÀNG LỌC

2.1. Tự khám vú

          Có thể tiến hành tự khám vú hàng tháng, nên khám sau sạch kinh 5-7 ngày. Các bước tiến hành theo thứ tự được mô tả như sau:

          - Chuẩn bị: Nơi tiến hành tự khám vú có thể ở trước gương lớn phòng ngủ hoặc trước gương lớn trong phòng tắm, có đầy đủ ánh sáng, có thể ngồi hoặc đứng. Nên cởi áo để dễ quan sát.

          - Quan sát:

+ Để tay xuôi, quan sát xem có các thay đổi ở vú hay không: Màu sắc da, u cục, co kéo, lệch tụt núm vú hoặc lõm da…

          + Đưa tay ra sau gáy sau đó quan sát qua gương.

          + Chống tay lên hông làm cử động cơ ngực lên xuống bằng động tác nâng vai lên hay hạ vai xuống. Động tác này làm cho các thay đổi nếu có sẽ rõ hơn.

          - Nặn nhẹ đầu vú, quan sát xem có dịch chảy ra hay không.

          - Sờ nắn tư thế đứng:

                   + Đưa tay phải ra sau gáy

                   + Dùng tay trái sờ nắn vú phải, 4 ngón tay đặt sát nhau thành 1 mặt phẳng, ép đều đặn lên các vùng khác nhau của tuyến vú vào thành ngực theo hướng vòng xoáy ốc từ đầu vú ra ngoài.

                   + Kiểm tra (từng vòng của vú) và cả về phía hố nách.

                   + Làm tương tự như vậy với vú bên trái.

          - Tư thế nằm:

                   + Nằm ngửa thoải mái

                   + Bộc lộ ngực trần

                   + Đặt 1 gối mỏng ở dưới lưng bên trái.

                   + Lặp lại quá trình khám như tư thế đứng.

                   + Chuyển gối, làm lại cho bên phải.

          Qua mỗi lần tự khám như vậy, nếu thấy u, hạch hoặc mảng cứng bất thường, bệnh nhân tới cơ sở chuyên khoa để xác định lại.     

2.2. Khám lâm sàng tuyến vú

          Kĩ thuật này được thực hiện bởi bác sĩ

          Thu thập các thông tin về các triệu chứng hiện tại, tình trạng kinh nguyệt và các yếu tố nguy cơ ung thư vú.

          Khi khám, cần bộc lộ toàn bộ nửa trên cơ thể để có thể so sánh hai vú. Các bước khám vú cần được tiến hành đầy đủ: Quan sát vú hai bên, khám núm vú (chú ý các tổn thương co kéo tụt núm vú, loét núm vú, chảy dịch núm vú), khám toàn bộ vú và khám hạch (bao gồm hạch nách và hạch thượng đòn, hạ đòn).

2.3. Chụp X-quang tuyến vú

Phương pháp chụp X-quang tuyến vú còn được gọi là chụp nhũ ảnh là một trong những kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn được sử dụng khá phổ biến trong chẩn đoán bệnh lý tuyến vú. Kỹ thuật chụp X quang tuyến vú sử dụng chùm tia X có cường độ thấp để chiếu vào các mô tuyến vú và thu lại hình ảnh tại tuyến vú. Chụp X-quang tuyến vú giúp phát hiện các bất thường ở tuyến vú giai đoạn sớm ngay cả khi chưa có biểu hiện lâm sàng.

                                                             

         

Vi Vôi Hóa

Hình Tua Gai

          Phân loại mật độ vú theo BI-RADS:

          A: Hầu hết là mô mỡ

          B: Rải rác các vùng mật độ xơ tuyến

          C: Mật độ đặc không đồng nhất (Có thể che lấp những khối u nhỏ)

          D: Mật độ rất đặc (Làm giảm độ nhạy của phim)

          Thuật ngữ "Mật độ vú đặc" chỉ những trường hợp type C và D.

          Phân loại đánh giá cuối theo BI-RADS:

          BI-RADS 0: Không hoàn tất việc đánh giá

          BI-RADS 1: Âm tính, không có tổn thương bất thường

          BI-RADS2: Tổn thương lành tính

          BI-RADS3: Tổn thương có thể lành tính cần theo dõi với khoảng thời gian ngắn.

          BI-RADS4: Bất thường ở mức trung gian- nên xem xét việc sinh thiết tổn thương

          BI-RADS5: Khả năng ung thư cao- cần sinh thiết xác định giải phẫu bệnh lý. Nguy cơ ác tính 95-100%.

          BI-RADS 6: Đã khẳng định ung thư bằng sinh thiết.

          Chụp X-quang vú là phương pháp quan trọng trong sàng lọc UTV.

2.4. Siêu âm tuyến vú

          Siêu âm vú có thể phối hợp với X-quang tuyến vú để phát hiện những trường hợp ung thư vú giai đoạn sớm ở những phụ nữ có mật độ vú đặc làm cho các tổn thương không phát hiện được trên chụp X-quang tuyến vú.

2.5. Cộng hưởng từ vú

          Cộng hưởng từ vú có tiêm thuốc đối quang làm tăng độ nhạy trong phát hiện ung thư vú ở phụ nữ thuộc nguy cơ cao (>20% nguy cơ mắc ung thư vú cả đời).

          Việc sử dụng cộng hưởng từ gặp phải hạn chế do chi phí cao, khó áp dụng ở nhiều nơi và nguy cơ gặp những tai biến thuốc đối quang.

  1. CHIẾN LƯỢC SÀNG LỌC

3.1. Lượng giá nguy cơ ban đầu

          Bước đầu tiên trong xác định nguy cơ là đánh giá các yếu tố nguy cơ chính để xác định người phụ nữ đó ở mức nguy cơ ung thư vú thấp (<15%), trung bình (15-20%) hay cao (>20%).

3.2. Các yếu tố chính được dùng để xác định mức độ nguy cơ

          - Tiền sử bản thân mắc ung thư buồng trứng, ung thư phúc mạc hoặc ung thư vú.

          - Tiền sử gia đình mắc ung thư vú, ung thư buồng trứng hoặc ung thư phúc mạc.

          - Có đột biến gen BRCA hoặc các đột biến khác có liên quan.

          - Xạ trị vùng ngực khi 10-30 tuổi.

          Những phụ nữ không có những nguy cơ nào kể trên được xếp vào nhóm nguy cơ thấp. Hầu hết phụ nữ thuộc nhóm này, với nguy cơ trung bình mắc ung thư vú cả đời vào khoảng 12,4%. 

          Những phụ nữ có tiền sử gia đình mắc ung thư vú, buồng trứng hoặc phúc mạc (mối quan hệ bậc 1) mà không có các yếu tố nguy cơ còn lại được xếp vào nhóm nguy cơ trung bình.

          Những phụ nữ có tiền sử bản thân ung thư vú, buồng trứng, phúc mạc; đột biến gen tăng nguy cơ ung thư vú; hoặc tiền sử chiếu xạ ngực khi 10-30 tuổi được xếp vào nhóm nguy cơ cao.

3.3.Sàng lọc với nhóm nguy cơ thấp

          - Tuổi là yếu tố quan trọng nhất trong quyết định khi nào sàng lọc.

                   + Với phụ nữ dưới 40 tuổi: chưa tiến hành sàng lọc.

                   + Với phụ nữ từ 40 -75 tuổi: tiến hành sàng lọc

                      + Với phụ nữ từ 75 tuổi trở lên, sàng lọc nếu kỳ vọng sống còn trên 10 năm.

          - Sàng lọc bằng chụp X-quang tuyến vú. Chụp sàng lọc 2 năm/lần.

3.4. Sàng lọc với nhóm nguy cơ trung bình

          - Tuổi bắt đầu chụp X-quang vú và tần suất sàng lọc tương tự như nhóm nguy cơ thấp. Một số tác giả đề xuất tuổi bắt đầu sàng lọc sớm hơn nếu có người thân (quan hệ bậc 1) mắc ung thư vú trước mãn kinh.

          - Nhiều chuyên gia đề xuất rằng với phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ trung bình, quyết định chụp cộng hưởng từ hoặc siêu âm sàng lọc bổ sung cần được thảo luận với bệnh nhân.

3.5. Sàng lọc với nhóm nguy cơ cao

          - Khám sàng lọc 6 tháng/lần.

          - Các xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán hình ảnh được khuyến cáo cho những phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú, bao gồm: Chụp X-quang tuyến vú sàng lọc hàng năm và chụp cộng hưởng từ vú sàng lọc bổ sung hàng năm (cách nhau 6 tháng).

          - Với những trường hợp không thể sử dụng cộng hưởng từ được, có thể sử dụng siêu âm thay thế.

3.6. Quyết định lâm sàng

          Với trường hợp chụp X-quang tuyến vú dương tính: Với các trường hợp BI-RADS 4, 5 cần được tiếp tục đánh giá: Đánh giá bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh khác và cân nhắc sinh thiết. Với các trường hợp BI-RADS 4C và 5, cần trao đổi về nguy cơ ung thư rất cao với các nhà giải phẫu bệnh. Trong trường hợp sinh thiết lành tính cần cân nhắc đánh giá lại bệnh phẩm và sinh thiết lại.

          Với trường hợp chụp X-quang tuyến vú âm tính: Nếu trường hợp lâm sàng không nghi ngờ, không cần tiến hành thêm các đánh giá, khám lại vào lần sàng lọc tiếp theo. Nếu trường hợp lâm sàng nghi ngờ nhưng X-quang tuyến vú không tìm thấy tổn thương, cần tiến hành những đánh giá tiếp theo sau 3-6 tháng.

  1. Các cơ sở tầm soát UTV

     Hiện nay nhiều cơ sở khám chữa bệnh thực hiện khám sàng lọc ung thư vú,  việc lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh có chuyên môn sâu, kinh nghiệm điều trị ung thư vú là vô cùng quan trọng. Lựa chọn cơ sở khám sàng lọc và điều trị phải đảm bảo các yêu cầu sau :

Thứ nhất, phải có đội ngũ bác sĩ được đào tào chuyên khoa và có kinh nghiệm trong điều trị bệnh lý tuyến vú.

Thứ hai, cơ sở khám chữa bệnh phải có đầy đủ trang thiết bị phục vụ chẩn đoán ví dụ : Máy chụp phim X-quang vú, máy cộng hưởng từ tuyến vú…

Thứ ba, phải có tiểu ban gồm nhiều các bác sĩ chuyên khoa sâu về các chuyên ngành : Phẫu thuật - Nội khoa - Tia xạ ung thư, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh và sinh học phân tử.

Ths.BS Hoàng Anh Dũng, Phó Trưởng Khoa ngoại Vú – Bệnh viện K

TS.BS Phùng Thị Huyền – Trưởng khoa Nội 6 – Bệnh viện K

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Oeffinger K.C., Fontham E.T.H., Etzioni R. et al. (2015). Breast Cancer Screening for Women at Average Risk: 2015 Guideline Update From the American Cancer Society. JAMA, 314(15), 1599–1614.
  2. Keating N.L., Pace L.E. (2015). New Guidelines for Breast Cancer Screening in US Women. JAMA, 314(15), 1569–1571.
  3. Myers E.R., Moorman P., Gierisch J.M. et al. (2015). Benefits and Harms of Breast Cancer Screening: A Systematic Review. JAMA, 314(15), 1615–1634.
  4. Saslow D., Boetes C., Burke W. et al. (2007). American Cancer Society guidelines for breast screening with MRI as an adjunct to mammography. CA Cancer J Clin, 57(2), 75–89.
  5. NCCN - Evidence-Based Cancer Guidelines, Oncology Drug Compendium, Oncology Continuing Medical Education. <https://www.nccn.org/>, accessed: 13/06/2016.