Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư vú, ngay cả khi phát hiện sớm thì hậu quả về tài chính, thể xác và tình cảm vẫn bao trùm quãng đời còn lại của người bệnh. Do đó, việc phòng ngừa ban đầu là biện pháp tích cực hơn là chẩn đoán và điều trị.
Dự phòng bệnh ung thư vú cũng như các bệnh ung thư khác, bao gồm phòng bệnh bước 1, bước 2 và bước 3, trong đó quan trọng và có giá trị nhất là bước 1 và bước 2.
DỰ PHÒNG BƯỚC 1
Là bước dự phòng tích cực nhất, bao gồm các hoạt động cố gắng loại trừ các tác nhân gây ung thư hoặc giảm tối đa sự tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, nhằm phòng tránh sự phát sinh các tế bào ung thư.
Các nhà nghiên cứu đã xác định được một số yếu tố nguy cơ liên quan đến ung thư vú, trong đó có các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi và các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi. Hạn chế các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi, góp phần làm giảm nguy cơ ung thư vú.
- Hạn chế rượu bia: Uống càng nhiều rượu càng có nhiều nguy cơ phát triển ung thư vú. Khuyến nghị chung dựa trên nghiên cứu về tác động của rượu đối với ung thư vú là giới hạn không nên uống quá một ly mỗi ngày, vì ngay cả một lượng nhỏ cũng làm tăng nguy cơ.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Phụ nữ béo phì (BMI ≥ 30 kg/m2) liên quan đến tăng nguy cơ ung thư vú. Nếu cân nặng bình thường thì duy trì mức cân nặng đó. Nếu như thừa cân hoặc béo phì, cần có kế hoạch để giảm cân để giảm nguy cơ mắc ung thư vú.
- Hoạt động thể lực: Hoạt động thể chất giúp duy trì cân nặng hợp lý, và giúp giảm nguy cơ ung thư vú. Nên tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần với bài tập thể dục nhịp điệu cường độ trung bình hoặc 75 phút với cường độ mạnh, kết hợp với bài tập rèn luyện sức bền cơ bắp ít nhất 2 lần 1 tuần.
- Cho con bú: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, cho con bú có hiệu quả bảo vệ đối với bệnh ung thư vú. Thời gian cho con bú càng dài, hiệu quả bảo vệ càng lớn. Cho con bú mỗi 12 tháng giảm được khoảng 4,3% nguy cơ ung thư vú. Cơ chế của hiệu quả bảo vệ này được cho là liên quan đến trì hoãn chu kì rụng trứng.
- Hạn chế liệu pháp nội tiết sau mãn kinh: Liệu pháp nội tiết kết hợp (chứa cả estrogen và progesteron) có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú. Với các phụ nữ có các dấu hiệu và triệu chứng khó chịu do mãn kinh, nên sử dụng các biện pháp không dùng nội tiết. Nếu cần thiết sử dụng nội tiết thay thế, nên dùng với liều lượng thấp nhất có thể trong thời gian ngắn nhất.
- Chế độ ăn uống lành mạnh: Một chế độ ăn lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cũng như tiểu đường, tim mạch và đột quỵ. Chế độ ăn ít chất béo, nhiều rau, hoa quả, ngũ cốc nguyên hạt, các sản phẩm từ sữa giàu canxi, ít thịt đỏ và thịt chế biến sẵn có thể làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú.
- Hạn chế sử dụng biện pháp tránh thai bằng nội tiết: Có một số bằng chứng cho thấy rằng việc sử dụng các biện pháp tránh thai bằng nội tiết bao gồm thuốc tránh thai và vòng tránh thai giải phóng nột tiết làm tăng nguy cơ ung thư vú. Nhưng nguy cơ là rất nhỏ và sẽ giảm sau khi ngừng sử dụng.
- Không hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư vú, đặc biệt ở phụ nữ tiền mãn kinh. Nguy cơ này càng cao khi tuổi bắt đầu hút thuốc càng sớm, thời gian hút thuốc dài và hút số lượng nhiều. Vì vậy, không hút thuốc có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh.
DỰ PHÒNG BƯỚC 2
Là sàng lọc và phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm hoặc các tổn thương tiền ung thư (có khả năng cao tiến triển thành ung thư) để tiến hành điều trị sớm và đạt được kết quả cao nhất.
Có các phương pháp sàng lọc sau:
- Tự khám vú
Mỗi người phụ nữ cần nhận thức được các dấu hiệu và triệu chứng sớm của bệnh, để góp phần chẩn đoán và điều trị sớm.
Tự khám vú là một kỹ thuật ít tốn kém và vô hại đối với tuyến vú. Thực hiện tự khám vú mỗi tháng một lần và khám sau khi sạch kinh khoảng 5 ngày. Tự khám vú thường giúp chẩn đoán ra bệnh khi u nhỏ hơn, ít di căn hạch hơn những người không thực hành khám vú. Do vậy, mỗi người phụ nữ đều nên biết cách tự khám vú.
- Khám lâm sàng tuyến vú
Là một phương pháp thông dụng để khám cho tất cả phụ nữ từ 40 tuổi trở lên ít nhất một năm một lần.
- Chụp tuyến vú
Chụp vú được sử dụng rộng rãi trong việc xác định bệnh cũng như sàng lọc ung thư vú. Đây là phương pháp cận lâm sàng chính được sử dụng để tầm soát ung thư vú. Các bằng chứng đã chứng minh tỷ lệ tử vong do ung thư vú giảm khoảng 20% ở cộng đồng được sàng lọc bằng chụp vú so với cộng đồng không được sàng lọc. Với phụ nữ trên 40 tuổi, nên chụp vú một năm một lần. Việc kiểm tra thường xuyên bằng chụp vú thường được tiếp tục thực hiện ở những phụ nữ có sức khỏe tốt và tiên lượng sống ít nhất 10 năm.
Đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao (ví dụ: bản thân mang một số gen làm tăng nguy cơ ung thư vú như BRCA1, BRCA2; có người thân cấp một (mẹ, chị em gái) mang đột biến BRCA1 hoặc BRCA2 và bản thân chưa làm xét nghiệm di truyền; tiền sử xạ trị vùng ngực ở độ tuổi 10 đến 30…) có thể cần bắt đầu sàng lọc từ độ tuổi sớm hơn. Hầu hết nên tiến hành sàng lọc cho những phụ nữ này từ 30 tuổi trở lên bằng chụp X-Quang tuyến vú, có thể kết hợp với chụp cộng hưởng từ tuyến vú.
DỰ PHÒNG BƯỚC 3
Dự phòng bước ba là áp dụng các biện pháp điều trị sớm và thích hợp nhằm tăng khả năng chữa khỏi và giảm các biến chứng, di chứng của bệnh, đồng thời tăng thời gian sống thêm và cải thiện chất lượng cuộc sống.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Ths.Bs. Trịnh Thị Hoa, Khoa Nội 5, Bệnh viện K
PGS.TS Phạm Cẩm Phương, Giám Đốc TT YHHN và Ung Bướu – BV Bạch Mai