Hóa chất và xạ trị là những phương pháp chính được sử dụng để điều trị ung thư vú hiện nay. Tuy nhiên, ngoài tác dụng tiêu diệt những tế bào ung thư, hai phương pháp này còn có thể gây tác động lên các tế bào khỏe mạnh, từ đó gây ra một số tác dụng phụ. Chăm sóc bệnh nhân ung thư vú sau hóa chất, xạ trị, giúp dự phòng và giảm thiểu những tác dụng phụ này nhằm nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư vú.

Một số tác dụng phụ thường gặp và cách chăm sóc được liệt kê dưới đây:

Mất cảm giác ngon miệng:

Mất cảm giác ngon miệng có thể gây ra do tất cả các phương pháp điều trị ở bệnh nhân ung thư vú. Mất cảm giác ngon miệng khiến bạn ăn ít hơn hoặc không muốn ăn bất cứ thứ gì, điều này khiến bạn không có đủ dinh dưỡng cần thiết. Chính vì vậy, có một kế hoạch ăn uống linh hoạt, lành mạnh là vô cùng hữu ích lúc này.

Nguồn Internet

Những mẹo sau giúp bạn có một chế độ ăn uống lành mạnh:

  • Ăn một vài bữa nhỏ trong ngày thay vì ăn ba bữa lớn
  • Hãy thử loại thức ăn mới mà hằng ngày bạn không thường ăn
  • Ăn bữa lớn nhất trong ngày khi bạn cảm thấy đói nhất
  • Uống nước hoặc đồ uống khác trước hoặc sau bữa ăn 30 phút để khiến bạn không cảm thấy đầy bụng
  • Thử tập những bài tập thể dục vừa phải để tăng cảm giác thèm ăn.

Nôn và buồn nôn:

Buồn nôn là cảm giác khó chịu ở bụng khiến bạn cảm thấy muốn nôn ra. Khi bạn nôn, các cơ dạ dày co lại và đẩy những gì trong dạ dày lên thực quản và ra khỏi miệng. Nôn thường là kết quả của buồn nôn. Buồn nôn và nôn khiến bạn giảm cảm giác thèm ăn, nặng hơn là không thể ăn được gì.

Hãy hỏi bác sĩ về những loại thuốc có thể làm cho bạn cảm thấy tốt hơn. Hãy gọi cho bác sĩ ngay nếu: bạn nôn nhiều hơn 4-5 lần một ngày, chướng và đau bụng sau nôn, vẫn nôn dù đã dùng thuốc chống nôn,... Ngoài ra, hãy theo dõi thời điểm bạn buồn nôn, bạn có thể phát hiện ra đặc điểm chung của các lần để từ đó đưa ra phương án trước. Cụ thể là:

  • Ăn nhiều bữa nhỏ thường xuyên hơn và tránh thức ăn nhiều dầu mỡ và cam quýt
  • Hãy thử thức ăn ở nhiệt độ phòng thay vì quá nóng hoặc quá lạnh
  • Khi bạn buồn nôn, hãy thử những món ăn nhạt như bánh quy giòn, thạch, cơm, khoai tây nghiền mịn, viên thức ăn mịn.
  • Nếu bạn bị nôn, hãy đợi sau nôn 1 giờ mới bắt đầu ăn hoặc uống. Sau đó, bắt đầu với viên thức ăn lạnh và dần dần thêm thức ăn. Đôi khi, trà hoa cúc, trà gừng hoặc bia gừng có thể giúp xoa dịu dạ dày của bạn.
  • Thư giãn trước khi điều trị (nghe nhạc, đọc sách…) có thể giúp bạn bớt buồn nôn hơn.

Cảm thấy yếu và mệt mỏi:

Mệt mỏi là tác dụng phụ phổ biến nhất trong điều trị ung thư vú. Một số bác sĩ ước tính 9 trong 10 bệnh nhân trải qua tác dụng phụ mệt mỏi trong quá trình điều trị của mình.  

Nguồn Internet
  • Vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn được nghỉ ngơi đầy đủ. Ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm và cố gắng nằm xuống trong ngày để nghỉ ngơi nếu bạn cảm thấy vẫn còn mệt. Tránh dùng caffein vào cuối ngày.
  • Tập thể dục: đi bộ ngắn có thể cho bạn nhiều năng lượng hơn. Nếu bạn hoạt động nhiều hơn bạn sẽ nghỉ ngơi tốt hơn vào buổi tối.
  • Tiết kiệm năng lượng để dùng cho những công việc thực sự quan trọng. Nhận sự giúp đỡ từ gia đình và bạn bè với những việc vặt
  • Ăn nhiều thực phẩm giàu sắt như thịt nạc, đậu, rau có lá sẫm màu và ngũ cốc. Nếu cơ thể bị thiếu máu dẫn tới mệt mỏi, bạn có thể được dùng erythropoietin hoặc darbepoetin những thuốc này giúp kích thích tủy xương tạo ra thêm nhiều tế bào hồng cầu.
  • Đảm bảo giấc ngủ ít nhất 8 giờ, kết hợp thư giãn trước khi ngủ, vận động nhẹ trong ngày để có giấc ngủ tốt hơn.

Rụng tóc:

Nguồn Internet

Những điều trị như hóa chất, nội tiết, điều trị đích, điều trị miễn dịch, xạ trị đều có thể gây ra rụng tóc tùy mức độ nhưng không phải bệnh nhân ung thư vú nào cũng bị rụng tóc. Một số giải pháp giúp bạn chuẩn bị, làm giảm rụng tóc và bảo về tóc khi mọc lại:

- Mũ lạnh và hệ thống làm mát da đầu: đội thiết bị lên đầu trong chứa chất làm mát dạng lỏng hoặc gel lạnh trong quá trình điều trị có thể giúp giữ được một phần tóc của bạn.

- Tóc giả: đội tóc giả có thể mang lại cảm giác bình thường cho bạn, bạn cũng có thể thử các kiểu tóc và màu tóc khác nhau.

- Sử dụng khăn và mũ: bạn cũng có thể lựa chọn dùng khăn hoặc mũ, chúng khá thoải mái và linh hoạt và chúng cũng có rất nhiều phong cách khác nhau.

- Nếu bạn dùng các thuốc nội tiết, thuốc đích hay một số thuốc hóa chất gây ra tình trạng mỏng tóc dần, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu để loại trừ các nguyên nhân da liễu khác gây rụng tóc. Bạn có thể sẽ được kê các loại thuốc kích thích sự mọc tóc hay dùng thêm chất bổ sung dinh dưỡng giúp tóc mọc nhanh hơn.

Hạ bạch cầu:

Tế bào máu trắng được sản xuất từ tủy xương, chúng giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng. Nếu bạn có ít những tế bào bạch cầu hơn bình thường, bạn có thể có nguy cơ cao hơn bị nhiễm trùng (bị tấn công bởi các loại virus hay vi khuẩn).

Nếu bạn bị nhiễm trùng do có số lượng bạch cầu thấp, các triệu chứng có thể xuất hiện như: sốt, ớn lạnh, đau họng hoặc ho, khó thở, tiêu chảy, tiểu buốt, tiểu rát, vị trí chấn thương sưng nóng đỏ đau.

Khi số lượng bạch cầu của bạn giảm thấp, bác sĩ có thể sẽ kê các loại thuốc giúp kích thích tăng sản xuất bạch cầu hoặc cũng có thể quyết định dừng chu kỳ hóa trị của bạn trong một thời gian ngắn để cơ thể tự hồi phục.

Nếu bạn có tình trạng hạ bạch cầu, lưu ý những điều sau đây để giảm việc bị nhiễm trùng:

  • Tránh đến nơi đông người trong mùa lạnh và mùa cúm
  • Lưu ý những nơi đang có dịch bệnh
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh để giúp bạn có đầy đủ dinh dưỡng cần thiết
  • Tránh bơi lội ở ao, hồ, sông, suối, có thể bạn sẽ bị nhiễm kí sinh trùng
  • Tránh không bị muỗi đốt, muỗi có thể chứa các loại virus
  • Đảm bảo nhà cửa thông thoáng, sạch sẽ
  • Rửa tay thường xuyên
  • Ngăn ngừa bị vết cắt, vết xước khi làm việc
  • Không làm răng khi số lượng bạch cầu thấp
  • Không nặn mụn

Thay đổi da do xạ trị:

Xạ trị có thể gây ra những thay đổi trên da do chúng ngoài tác động lên tế bào ung thư thì còn tác động lên tế bào khỏe mạnh tại vùng xạ trị. Những thay đổi da có thể gặp từ thay đổi màu sắc da cho tới sưng, chảy dịch, bong da.

Liên hệ với bác sĩ ngay nếu bạn: sốt trên 38 độ C hoặc cao hơn, vùng da xạ trị: đau nghiêm trọng, tiếp tục sưng nề, mụn nước, đỏ, chảy máu hoặc mủ, đau và tiếp tục chảy dịch.

Chăm sóc vùng da xạ trị của bạn do da trong vùng điều trị có thể trở nên khá mỏng và dễ bị kích ứng trong quá trình điều trị:

  • Nhẹ nhàng làm sạch da bằng nước ấm và xà phòng không mùi
  • Xả sạch sau khi rửa
  • Nhẹ nhàng vỗ cho da khô, thay vì chà xát
  • Tắm trong thời gian ngắn với nước ấm hoặc mát
  • Thử tắm với muối tắm nếu da bạn bị ngứa
  • Dưỡng ẩm vùng da xạ trị bằng cách sử dụng sản phẩm do bác sĩ điều trị tư vấn
  • Bắt đầu dưỡng ẩm ngày từ ngày đầu tiên điều trị và ít nhất hai lần mỗi ngày
  • Để kem dưỡng ẩm trong tủ lạnh để làm dịu da khi bôi
  • Đảm bảo kem dưỡng ẩm được hấp thu trước mỗi buổi xạ trị
  • Không thoa một lớp kem dày hoặc kem dưỡng ẩm trong vòng hai giờ trước khi tia xạ

Nếu da của bạn bị tổn thương hoặc có vùng ẩm ướt, hãy hỏi bác sĩ điều trị để được tư vấn chăm sóc.

Không nên sử dụng một số sản phẩm có thể khiến tổn thương da trở nên xấu hơn nếu dùng trong quá trình xạ trị, như: rượu, nước hoa, sản phẩm có chứa acid alpha hydroxy, băng và kem có chứa thành phần kim loại, kem chống nắng, cornstarch, phấn rôm trẻ em.

Bạn nên tránh một số điều sau lên vùng da xạ trị: Chà xát gây trầy xước da, mặc quần áo bó sát, để nhiệt độ da quá nóng hoặc quá lạnh,...

Sau khi xạ trị, điều quan trọng là tiếp tục chăm sóc vùng da điều trị đến khi lành hẳn: nếu vùng da bị khô, đỏ hoặc ngứa và da vẫn toàn vẹn thì tiếp tục bôi kem dưỡng ẩm một vài ngày sau điều trị cho tới khi da về bình thường; nếu vùng da bị tổn thương, không toàn vẹn và bị chảy dịch, hãy tham khảo tham bác sĩ điều trị để biết cách chăm sóc.

Bạn nên bảo vệ da của mình khỏi ánh nắng mặt trời trong và sau điều trị.

Đào Thị Thanh Nhàn, Khoa Xạ 2 – Bệnh viện K

TS.BS Phan Cảnh Duy, Phó TK Xạ trị, TTUB - BVTW Huế

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

https://www.webmd.com/breast-cancer/treatment-side-effects

https://www.breastcancer.org/treatment/side_effects

https://www.eviq.org.au/clinical-resources/side-effect-and-toxicity-management