Ung thư vú là bệnh ung thư phổ biến nhất, đồng thời là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư ở phụ nữ. Việt Nam là nước có tỉ lệ ung thư vú cao, năm 2020 căn bệnh này đứng đầu về số ca mới mắc trong các bệnh ung thư ở nữ giới với 21555 ca, đứng thứ ba về số ca tử vong chung do ung thư với hơn 9000 ca.

Ảnh 1: Số lượng Ung thư ở nữ giới VIệt Nam 2020

Trong vài thập kỷ qua, sàng lọc đã giúp phát hiện sớm ung thư vú, đem lại cơ hội điều trị thành công cao hơn cho người bệnh, qua đó làm giảm đáng kể tỉ lệ tử vong. Sàng lọc ung thư vú bao gồm tự khám vú, chụp X-Quang tuyến vú hàng năm cho phụ nữ trên 40 tuổi. Điều trị ung thư vú cần phối hợp các phương pháp điều trị khác nhau bao gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa chất, điều trị đích, nội tiết, miễn dịch… Trong đó phẫu thuật đóng vai trò chủ đạo và mở ra cơ hội chữa khỏi bệnh ung thư vú, đặc biệt là bệnh ung thư vú giai đoạn sớm.

Những bệnh nhân nào cần thiết phẫu thuật?

Phẫu thuật đóng vai trò quan trọng trong điều trị ung thư vú và được tiến hành trong các tình huống:

- Người bệnh ung thư vú giai đoạn sớm.

- Người bệnh giai đoạn tiến triển tại chỗ đã điều trị hóa chất trước đó.

- Người bệnh đã có di căn xa, phẫu thuật giúp làm giảm triệu chứng với các khối u vỡ loét, nhiễm trùng, chảy máu.

- Trong một số trường hợp đặt biệt, có thể cắt vú đối bên dự phòng đối với người bệnh có nguy rất cao.

Qua đó thấy rằng phẫu thuật đóng vai trò quan trọng với hầu hết người bệnh ung thư vú.

Những phương pháp phẫu thuật nào có thể tiến hành?

Phẫu thuật điều trị ung thư vú bao gồm:

Cắt bỏ tổn thương ung thư vú

Phẫu thuật bảo tồn vú : Trong phẫu thuật này, bác sĩ sẽ lấy bỏ khối u với phần mô vú xung quanh để đảm bảo không còn sót lại tế bào ung thư. Phương pháp này được áp dụng cho người bệnh giai đoạn sớm. Phương pháp bảo tồn có kết quả tương đương với phương pháp cắt toàn bộ tuyến vú trong khi người bệnh vẫn bảo tồn được phần lớn tuyến vú.

Ảnh 2: Một số hình ảnh phẫu thuật bảo tồn ung thư vú

Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến vú: Trong phẫu thuật này tất cả mô vú, mỡ dưới da, da vú (bao gồm cả quầng núm vú) bên bệnh sẽ được lấy bỏ. Phương pháp này được sử dụng cho những người bệnh không có chỉ định phẫu thuật bảo tồn. 

Xử lý hạch nách trong ung thư vú

Sinh thiết hạch cửa (loại bỏ một số hạch): Trong quá trình phát triển, tế bào ung thư vú đi theo mạch bạch huyết đến các hạch xung quanh vú, đa phần là đến hạch nách. Để xác định liệu bệnh đã lan đến hạch hay chưa, bác sĩ thực hiện kỹ thuật sinh thiết hạch cửa, trong đó một số chất màu hoặc đồng vị phóng xạ sẽ được tiêm vào quanh khối u để tìm những hạch đầu tiên nhận mạch bạch huyết từ khối u. Nếu không tìm thấy tế bào ung thư trong những hạch này, nguy cơ ung thư lan đến các hạch còn lại là thấp nên không cần loại bỏ thêm hạch nào khác.

Ảnh 3:  Sinh thiết hạch cửa

Vét hạch nách (loại bỏ đa phần hạch nách cùng bên): Nếu tìm được tế bảo ung thư ở hạch qua sinh thiết hạch cửa hoặc xét nghiệm trước mổ, người bệnh sẽ được phẫu thuật vét hạch nách. Trong đó, đa số hạch nách, mỡ trong hố nách sẽ được lấy bỏ để loại bỏ tối đa tế bào ung thư.

Ảnh 4: Vét hạch nách

Phẫu thuật tái tạo vú

Điều trị ung thư vú không chỉ điều trị bệnh ung thư mà cần phải quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sống của người bệnh sau điều trị.

Nhiều phương pháp tạo hình vú ra đời bao gồm tạo hình túi độn (sử dụng túi silicon để tạo hình vú), tổ chức của chính cơ thể người bệnh (lấy phần da, mỡ, cơ vùng lưng, bụng hoặc mông… để tái tạo lại vú). Ngoài ra, các phương pháp khác như tái tạo núm vú, treo sa trễ, cắt giảm thể tích vú bên đối diện góp phần làm tăng kết quả về mặt thẩm mỹ. Các phẫu thuật này có thể được thực hiện cùng với phẫu thuật cắt tuyến vú hoặc sau khi hoàn thành điều trị ung thư vú.

 

Ảnh 5: Tạo hình vú bằng vạt DIEP
Ảnh 6: Tạo hình vú bằng vạt cơ lưng và túi độn


 

Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật ung thư vú như thế nào?

Người bệnh sẽ được thay băng hàng ngày trong khoảng một tuần và được dùng kháng sinh đường uống trong khoảng năm ngày

Sau phẫu thuật ung thư vú, người bệnh có thể đau mức độ vừa trong vài ngày sau mổ. Người bệnh sẽ được kiểm soát đau hiệu quả bằng thuốc giảm đau đường uống như paracetamol hoặc một đợt ngắn ngày thuốc an thần.

Trong quá trình mổ, đa phần người bệnh sẽ được đặt một ống chất dẻo nhỏ nhằm đưa dịch tiết ra ngoài tránh tụ dịch sau mổ. Dẫn lưu sẽ được theo dõi hàng ngày, được rút sau khi lượng dịch ra hàng ngày nhỏ hơn 30ml.

Với sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên ngành Phục hồi chức năng, các bài tập vận động cánh tay và vùng nách sau phẫu thuật nên được khuyến khích người bệnh tiến hành sớm, nhằm tránh di chứng hạn chế vận động cánh tay.

Theo dõi biến chứng sau phẫu thuật như thế nào?

Ngày nay, với sự phát triển y học, biến chứng sau mổ ung thư vú ngày càng giảm. Một số biến chứng có thể gặp sau phẫu thuật ung thư vú:

Nhiễm trùng vết mổ, biểu hiện bằng sưng, nóng, đỏ, chảy mủ vết mổ, vú. Biến chứng này ngày càng ít gặp, thường điều trị và dự phòng hiệu quả với kháng sinh đường uống.

Tụ máu thường xuất hiện trong vòng 24 giờ đầu sau mổ với biểu hiện khối sưng vùng vú liên quan đến phẫu thuật. Đa phần có thể tự khỏi, số ít trường hợp cần can thiệp phẫu thuật.

Tụ dịch dưới da sau mổ, khá thường gặp sau mổ vú và vét hạch nách. Tụ dịch nếu không được điều trị sẽ làm chậm quá trình hồi phục, nhiễm khuẩn. Có thể điều trị bằng chọc hút dịch, băng ép, đặt lam dẫn lưu. Dẫn lưu là biện pháp dự phòng hiệu quả tụ dịch.

Rối loạn cảm giác, đau, giới hạn vận động nách, tay và thành ngực có thể xảy ra ở 10% số người bệnh sau mổ cắt tuyến vú. Khoảng một nửa trong số này sẽ hồi phục theo thời gian.

Sau phẫu thuật cắt tuyến vú có thể gặp hội chứng vú ma. Một số người bệnh cảm giác vẫn còn vú kèm đau vú, ngứa, nhạy cảm vùng đầu vú. Nguyên nhân của biến chứng này chưa được hiểu rõ, có thể liên quan đến các yếu tố tâm lý. Người bệnh cần được giải thích kỹ trước mổ để giảm tỷ lệ biến chứng này.

Phù bạch huyết, biểu hiện bằng phù tay, thành ngực bên vú ung thư tăng dần. Nếu không được điều trị, có thể dẫn đến phù tay voi. Có thể dự phòng thông qua việc tự theo dõi, nâng cao tay, duy trì cân nặng hợp lý, sử dụng các dụng cụ, quần áo ép thích hợp với tay. Các phương pháp vật lý trị liệu có hiệu quả với mức độ bệnh nhẹ. Trường hợp bệnh nặng, biến dạng tay nhiều, có thể cần can thiệp phẫu thuật.

Ảnh 7: Biến chứng phù bạch huyết

Ths. BS Hoàng Anh Dũng , Phó TK Ngoại B – Bệnh viện K

BSCKI. Nguyễn Văn Phúc, Phó TK Phẫu thuật, TTUB-BVTW Huế