Tin tức

Hội nghị khoa học của Hiệp hội ghi nhận ung thư quốc tế (IACR) năm 2024 và Hội nghị thường niên về ghi nhận ung thư Trung Quốc. Sự đóng góp của Việt Nam trong nghiên cứu ung thư toàn cầu.

Tổ chức thành công: Hội nghị khoa học của Hiệp hội ghi nhận ung thư quốc tế (IACR) năm 2024 và Hội nghị thường niên về ghi nhận ung thư Trung Quốc. Sự đóng góp của Việt Nam trong nghiên cứu ung thư toàn cầu.

Trong 4 ngày từ 04-07 tháng 11 năm 2024, Hiệp hội Quốc tế về Ghi nhận ung thư (IACR), Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) và Trung tâm Ung thư Quốc gia phối hợp cùng Viện Hàn lâm Khoa học Y khoa Trung Quốc tổ chức Hội nghị khoa học IARC năm 2024 và Hội nghị thường niên về ghi nhận ung thư Trung Quốc (2024 lACR Scientific Conference & Chinese Cancer Registry Annual Conference). Tham dự chương trình có sự tham gia của GS. Jie He, Giám đốc Trung tâm ung thư Quốc gia, Trung Quốc; ông Guangming Gao, thành viên Ủy ban Y tế Quốc gia, Trung Quốc; TS.  Freddie Bray, Trưởng phòng Giám sát Ung thư tại Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), TS. Charles Wiggins, Đại diện Bắc Mỹ tại Hiệp hội Quốc tế về Ghi nhận ung thư (IACR), đặc biệt là sự quan tâm tham dự đông đào của các nhà nghiên cứu, chuyên gia y tế công cộng, các nhà hoạch định chính sách và các nhà cung cấp dịch vụ y tế từ khắp nơi trên thế giới.

Ung thư đang trở thành một trong những vấn đề sức khỏe toàn cầu nghiêm trọng nhất, với tỷ lệ mắc và tử vong ngày càng gia tăng. Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Tại Việt Nam, ung thư cũng đang là một thách thức lớn đối với hệ thống y tế, với sự gia tăng không ngừng của các ca mắc mới, đặc biệt là ung thư phổi, ung thư vú và ung thư gan. Một phần nguyên nhân của xu hướng này là sự thay đổi trong lối sống, chế độ ăn uống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường và thiếu hụt các chương trình sàng lọc ung thư hiệu quả.

Việc kiểm soát ung thư đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc giảm thiểu gánh nặng bệnh tật cho cộng đồng. Các chiến lược phòng ngừa như tăng cường giáo dục về lối sống lành mạnh, triển khai các chương trình tầm soát ung thư sớm và nâng cao nhận thức cộng đồng về các yếu tố nguy cơ có thể giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh. Bên cạnh đó, hệ thống ghi nhận ung thư hiệu quả là một công cụ quan trọng để thu thập và phân tích dữ liệu, từ đó giúp xây dựng các chính sách y tế phù hợp, cải thiện chất lượng điều trị và hỗ trợ nghiên cứu. Kiểm soát ung thư không chỉ giúp giảm thiểu tỷ lệ tử vong mà còn giảm thiểu gánh nặng kinh tế và xã hội đối với mỗi quốc gia.

Banner chính thức của Hội nghị khoa học của Hiệp hội ghi nhận ung thư quốc tế (IACR) năm 2024 và Hội nghị thường niên về ghi nhận ung thư Trung Quốc

Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) là cơ quan chuyên môn về ung thư của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Mục tiêu của IARC là thúc đẩy sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu ung thư. Cơ quan này là liên ngành, tập hợp các kỹ năng về dịch tễ học, khoa học phòng thí nghiệm và thống kê sinh học để xác định nguyên nhân gây ung thư để có thể áp dụng các biện pháp phòng ngừa và giảm gánh nặng của bệnh tật và các yếu tố liên quan. IARC đặc biệt quan tâm đến việc tiến hành nghiên cứu ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thông qua quan hệ đối tác và hợp tác với các nhà nghiên cứu ở các khu vực này. Cơ quan này có vai trò quan trọng trong việc mô tả gánh nặng ung thư trên toàn thế giới, thông qua hợp tác và hỗ trợ các cơ quan ghi nhận ung thư trong việc theo dõi các biến thể và xu hướng theo thời gian. 

Charles Wiggins phát biểu về những mục tiêu và dự định trong thời gian tới

Đoàn tham dự của Việt Nam chụp ảnh cùng các chuyên gia tại hội nghị khoa học

Đại diện Việt Nam tham gia hội thảo lần này, bao gồm:

  • TS.Trần Thị Thanh Hương - Phó Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia Việt Nam, Bệnh viện K
  • BSCKII. Bùi Đức Tùng - Phó trưởng phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Ung bướu TP Hồ Chí Minh
  • BS. Nguyễn Hương Giang - Trưởng phòng Dịch tễ học, Viện Ung thư Quốc gia Việt Nam, Bệnh viện K
  • Đỗ Vũ Minh Hà - Phòng Dịch tễ học, Viện Ung thư Quốc gia Việt Nam, Bệnh viện K
  • Đào Xuân Quân - Phòng Dịch tễ học, Viện Ung thư Quốc gia Việt Nam, Bệnh viện K

    Đại diện Việt Nam đóng góp 2 poster vào hội thảo lần này

    Tại hội nghị, Viện nghiên cứu ung thư quốc gia Việt Nam, Bệnh viện K đã mang tới: Một bài báo cáo về "Hệ thống Ghi nhận Ung thư tại Việt Nam: Tình trạng các quy định và khuyến nghị", và hai nội dung poster liên quan đến ung thư tại Việt Nam, bao gồm:

    • "Tỷ lệ mắc ung thư ở trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi tại Việt Nam: Ghi nhận ung thư quần thể"
    • "Hệ thống Ghi nhận Ung thư Vú: Kết quả ban đầu từ sáu bệnh viện lớn tại Việt Nam"

      PGS.TS. Trần Thị Thanh Hương có bài phát biểu tại hội nghị khoa học

    Báo cáo tại hội nghị khoa học, PGS.TS. Trần Thị Thanh Hương, Phó Viện trưởng Viện Ung thư Quốc gia, Bệnh viện K, đã đánh giá thực trạng và khuyến nghị cải thiện hệ thống ghi nhận ung thư tại Việt Nam. Theo báo cáo, hệ thống ghi nhận ung thư dân số tại Việt Nam đã hoạt động từ năm 1987 và được tích hợp vào các hoạt động kiểm soát ung thư quốc gia từ năm 2008. Tuy nhiên, việc tích hợp ghi nhận ung thư với các bệnh không lây nhiễm khác đã dẫn đến việc lập kế hoạch và phân bổ ngân sách không đầy đủ cho hệ thống ghi nhận ung thư. Báo cáo chỉ ra một số thách thức như thiếu quy định quốc gia, việc báo cáo ung thư không bắt buộc, và hạn chế về ngân sách từ năm 2022, ảnh hưởng đến tính đầy đủ và hiệu quả của dữ liệu. Tuy nhiên, cơ hội cải thiện hệ thống bao gồm việc lập quy định bắt buộc báo cáo ung thư, kết nối dữ liệu ung thư với hệ thống y tế quốc gia và bảo hiểm y tế, cũng như thành lập Ủy ban Ghi nhận Ung thư Quốc gia. Để cải thiện chất lượng và hiệu quả của hệ thống ghi nhận ung thư, cần có ngân sách bền vững, sự hỗ trợ chiến lược từ các cơ quan chức năng và quy định bắt buộc báo cáo ung thư trên toàn quốc.

    Nhìn chung, các bài báo cáo đến từ Việt Nam nhắm tới mục đích chia sẻ và phân tích dữ liệu về tình trạng ung thư trong cộng đồng, đặc biệt là các nhóm đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi, cũng như ung thư vú. Mục tiêu là nâng cao nhận thức về tình hình ung thư tại Việt Nam, đánh giá hiệu quả của các hệ thống ghi nhận ung thư, và đưa ra các khuyến nghị về cải thiện công tác ghi nhận và phòng ngừa ung thư. Các nghiên cứu này không chỉ đóng góp vào kho dữ liệu ung thư quốc gia mà còn giúp tạo nền tảng cho các chính sách y tế và phòng ngừa ung thư trong tương lai.

    Hội nghị khoa học đã được tổ chức thành công tốt đẹp, tạo cơ hội cho các chuyên gia và nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới chia sẻ, cập nhật kiến thức, kinh nghiệm và dữ liệu về ung thư. Với sự thành công của hội nghị, chúng ta có thể kỳ vọng vào một tương lai ngày càng tươi sáng hơn trong công tác ghi nhận và phòng chống ung thư trên toàn thế giới. Những đóng góp của Việt Nam đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của quốc gia trong nỗ lực chung này, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế để giải quyết những thách thức trong việc kiểm soát ung thư. Việc duy trì và phát triển các nền tảng nghiên cứu cũng như chia sẻ dữ liệu sẽ là chìa khóa để tiến tới một tương lai không còn những rào cản lớn trong công tác phòng ngừa và điều trị ung thư.