TRONG KHI ĐIỀU TRỊ, NHỮNG LƯU Ý PHẢI THÔNG BÁO NGAY CHO BÁC SĨ ĐIỀU TRỊ CỦA BẠN

Những thập niên gần đây, bên cạnh điều trị truyền thống phẫu thuật, hóa trị, xạ trị, điều trị ung thư đã có nhiều bước tiến vượt bậc khi có sự ra đời của một số liệu pháp điều trị mới như liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch. Những liệu pháp mới này góp phần mang lại tia hy vọng cho bệnh nhân ung thư trên con đường đấu tranh dai dẳng với căn bệnh này.

Cũng như bất kỳ các phương thức điều trị nào khác, liệu pháp miễn dịch cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Việc nhận biết và theo dõi các tác dụng phụ này rất quan trọng đối với người bệnh cũng như bác sĩ điều trị để bảo đảm quá trình điều trị không những có hiệu quả mà còn an toàn cho bệnh nhân.

Đầu tiên, chúng ta cần biết được các tác dụng phụ có thể gặp với liệu pháp miễn dịch và triệu chứng của các phản ứng này như thế nào.

Liệu pháp miễn dịch được ra đời và ứng dụng dựa trên nguyên tắc hoạt động «đánh thức» tiềm năng tiêu diệt tế bào gây hại của chính hệ miễn dịch của cơ thể. Vì nguyên tắc hoạt động như vậy, tác dụng phụ có thể gặp phải từ liệu pháp miễn dịch cũng hoàn toàn khác với những liệu pháp khác như hóa trị hay liệu pháp trúng đích. Những phản ứng phụ của liệu pháp miễn dịch lên cơ thể đều liên quan đến quá trình tự miễn, tức là hệ miễn dịch được kích thích nhiều có thể quay sang tấn công lên các tế bào lành trong cơ thể. Tất cả các cơ quan trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng nhưng thường gặp nhất là ở các bộ phận như da, phổi, tuyến nội tiết (tuyến giáp), ruột, mắt và ít gặp hơn có thể có ở gan, tụy…

Dưới đây là một số tác dụng phụ có thể gặp và biểu hiện của từng loại:

- Viêm ruột: có thể gặp triệu chứng như đau bụng, tiêu chảy, đi tiêu nhiều lần trong ngày, phân lẫn máu, nhầy nhớt, sốt…

- Viêm da niêm: nổi mẩn, da khô, tróc da, lở miệng, vết hoặc đốm giảm sắc tố ở da…

- Viêm tuyến giáp: có thể dẫn đến tình trạng cường giáp với một số biểu hiện tim đập nhanh, sụt cân, vã mồ hôi, tiêu chảy, mất ngủ… Hoặc người bệnh cũng có thể gặp tình trạng suy giáp với biểu hiện tăng cân, ngủ nhiều, táo bón, người cảm thấy lạnh, mệt mỏi…

- Viêm phổi: khó thở, đau ngực, ho, đàm…

- Viêm ở mắt: đau mắt, đỏ mắt, đổ ghèn đóng ghèn nhiều, thay đổi thị lực như nhìn đôi, nhìn mờ…

- Tác dụng phụ lên thần kinh – cơ: đau lưng, đau cơ, co thắt cơ, yếu cơ ở chi, cảm giác tê bì ở tay hoặc chân, cảm thấy người mệt mỏi thiếu năng lượng…

- Viêm ở các tuyến nội ngoại tiết trong cơ thể (tuyến thượng thận, tuyến yên): đau đầu, mệt mỏi, sụt cân, cơn bốc hỏa, giảm ham muốn, khát nhiều, tiểu nhiều, rối loạn đường huyết máu…

- Viêm thận: thay đổi màu sắc nước tiểu…

- Viêm gan: đau bụng bên phải dưới khung sườn, dễ bầm da, vàng da vàng mắt, tiểu sậm màu…

- Viêm tụy: đau vùng giữa bụng rất nhiều, buồn nôn và nôn ói…

Những tác dụng phụ từ liệu pháp miễn dịch có thể xuất hiện trong vòng vài tuần đến vài tháng kể từ khi bắt đầu điều trị hoặc cũng có thể xuất hiện trễ cho tới 1 năm sau khi đã ngưng sử dụng thuốc.

Thông thường, các phản ứng phụ xảy ra với mức độ từ nhẹ đến trung bình và hoàn toàn có thể phục hồi được nếu phát hiện sớm, được can thiệp thích hợp.

Để đánh giá mức độ nghiêm trọng của các tác dụng phụ bệnh nhân có thể gặp phải từ liệu pháp miễn dịch, mỗi tác dụng phụ được chia thành 5 mức độ từ nhẹ đến nặng tùy theo triệu chứng. Bác sĩ điều trị sẽ là người đánh giá và xếp loại mức độ của từng tác dụng phụ sau khi thăm khám bệnh nhân.

- Độ 1: biểu hiện triệu chứng mức độ nhẹ

- Độ 2: biểu hiện triệu chứng mức độ trung bình

- Độ 3: biểu hiện triệu chứng mức độ nghiêm trọng

- Độ 4: biểu hiện triệu chứng mức độ rất nghiêm trọng

- Độ 5: Tử vong

Thông thường khi bệnh nhân ở mức độ 1 và 2, các bác sĩ điều trị vẫn có thể tiếp tục liệu pháp miễn dịch nhưng đồng thời sẽ thêm các thuốc điều trị triệu chứng và bệnh nhân vẫn có thể điều trị ngoại trú. Trường hợp bệnh nhân có tác dụng phụ ở mức độ 3 – 4, liệu pháp miễn dịch sẽ được ngưng, bệnh nhân thường cần phải nhập viện để được điều trị các tác dụng phụ một cách tích cực.

Như vậy có thể thấy, tùy theo mức độ nặng nhẹ của từng tác dụng phụ mà bác sĩ điều trị sẽ can thiệp khác nhau. Nhưng từ mức độ nhẹ nhất là mức độ 1 đã có thể cần dùng thuốc điều trị triệu chứng. Ngoài ra, trong một số rất ít trường hợp, phản ứng phụ ban đầu có thể ở mức độ nhẹ nhưng có thể diễn tiến nặng hơn. Vì vậy khi bệnh nhân đang điều trị với liệu pháp miễn dịch, nếu thấy mình có bất cứ các biểu hiện như các phản ứng đã nêu ở trên, nên thông báo ngay cho bác sĩ điều trị để sắp xếp thăm khám nếu cần. Việc này sẽ giúp các bác sĩ điều trị nắm được thông tin, đánh giá được mức độ của từng phản ứng, có biện pháp can thiệp cũng như theo dõi quá trình chuyển biến của các tác dụng phụ. 

Tóm lại, liệu pháp miễn dịch cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ ngoài ý muốn. Tuy hầu hết các tác dụng phụ này đều ở mức độ nhẹ hoặc trung bình, hiếm khi ở mức độ nặng và thường hồi phục sau 1 thời gian. Nhưng để có được quá trình điều trị tốt nhất có thể, người bệnh cần hiểu rõ một số ý sau:

- Biểu hiện của các phản ứng phụ có thể có theo từng bộ phận cơ thể

- Thời gian có thể xuất hiện các phản ứng phụ này: vài tuần đến vài tháng sau khi bắt đầu điều trị hoặc có thể xuất hiện trễ cả sau 1 năm.

- Cần phải báo cho bác sĩ điều trị khi xuất hiện bất kì triệu chứng nào của các phản ứng phụ nêu trên hoặc bất kể các triệu chứng gì mới vì bác sĩ sẽ xếp loại đánh giá mức độ nặng nhẹ và có biện pháp can thiệp thích hợp.

- Không nên tự ý điều trị các tác dụng phụ theo ý mình hay theo những thông tin tham khảo trên mạng không chính thống và không rõ nguồn gốc.

Liệu pháp miễn dịch là một trong những bước tiến mới gần đây trong hành trình điều trị ung thư của toàn nhân loại. Với cơ chế hoạt động hoàn toàn khác nên bệnh nhân được sử dụng liệu pháp miễn dịch cũng không gặp phải những tác dụng phụ thường gặp của hóa trị, chất lượng cuộc sống cũng tốt hơn trong quá trình điều trị. Tuy vậy, liệu pháp miễn dịch cũng có một số tác dụng phụ có thể gặp phải. Tuy tỷ lệ có thể gặp những tác dụng phụ mức độ nặng từ liệu pháp miễn dịch rất hiếm và các phản ứng phụ từ liệu pháp miễn dịch hoàn toàn có thể điều trị được nhưng người bệnh được sử dụng liệu pháp miễn dịch cũng cần tìm hiểu về những phản ứng có thể gặp để có thể thông báo kịp thời cho bác sĩ điều trị.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Management of Immune-Mediated Adverse Reactions to Checkpoint Inhibitors Immunotherapy

http://www.bccancer.bc.ca/chemotherapy-protocols-site/Documents/Supportive%20Care/SCIMMUNE_Handout.pdf

2. ESMO – Patient Guide on Immunotherapy Side Effects

https://www.esmo.org/for-patients/patient-guides/immunotherapy-side-effects

BSCKI Hoàng Đình Kính

Bệnh viện Đại hoc Y Dược TP.HCM

Cập nhật bởi VIỆN UNG THƯ QUỐC GIA