1. Người bệnh có thể có những triệu chứng nào liên quan đến tác dung phụ của miễn dịch?
Các tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch có nguồn gốc từ điều trị bằng ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Việc điều trị miễn dịch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể, đặc biệt là da, ruột, phổi, gan và các cơ quan nội tiết (chẳng hạn như tuyến yên hoặc tuyến giáp).
Phần lớn các tác dụng phụ liên quan đến miễn dịch từ nhẹ đến trung bình và có thể hồi phục nếu được phát hiện sớm và được xử trí một cách thích hợp. Chính vì vậy mà người bệnh nên theo dõi và để ý đến các triệu chứng có thể xảy ra ngay khi sớm nhất có thể để can thiệp kịp thời.
Các nhân viên y tế sẽ theo dõi triệu chứng của người bệnh và xét nghiệm máu để khảo sát các tác dụng phụ mà không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu của việc điều trị bằng ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Bởi vì tác dụng phụ đối với liệu pháp miễn dịch có thể phát sinh bất cứ lúc nào trong quá trình điều trị và đôi khi cũng có thể xuất hiện sau khi kết thúc điều trị.
2. Các bác sĩ chuyên khoa ung thư đưa ra lời khuyên bạn cho người bệnh nên chú ý đến bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
Các dấu hiệu chung: mệt mỏi là tác dụng phụ thường gặp ở những bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Mặc dù nguyên nhân của mệt mỏi chưa được hiểu rõ, điều quan trọng là phải loại trừ các rối loạn chức năng tuyến giáp, tuyến yên và các rối loạn nội tiết khác đi kèm trên người bệnh
Da: phát ban hoặc ngứa trên diện rộng.
Tiêu hóa: tiêu chảy đặc biệt có lẫn máu hoặc chất nhầy, hoặc đau bụng dữ dội.
Nội tiết: mệt mỏi, sụt cân, buồn nôn / nôn, khát nước hoặc thèm ăn quá mức, đi tiểu thường xuyên.
Hô hấp: khó thở, ho.
Các triệu chứng khác ít gặp hơn như đau đầu, lú lẫn, đau cơ hoặc yếu cơ, tê, đau hoặc sưng khớp, sốt không rõ nguyên nhân, dễ bị bầm tím, mất thị lực.
3. Phân độ các tác dụng phụ thường gặp
Phát ban da
Độ 1: phát ban bao phủ dưới 10% diện tích bề mặt cơ thể (BSA), có hoặc không có triệu chứng.
Độ 2: phát ban bao phủ 10% –30% BSA, có hoặc không có triệu chứng, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh
Độ 3, phát ban bao phủ hơn 30% BSA, có hoặc không có triệu chứng, ảnh hưởng đến khả năng tự chăm sóc bản thân chính người bệnh.
Độ 4, phát ban bao phủ hơn 30% BSA kèm theo tình trạng nhiễm trùng hoặc các biến chứng khác, người bệnh cần thiết phải nhập viện ở khoa chăm sóc đặc biệt của bệnh viện.
Tiêu chảy
Độ 1: ít hơn 3 lần đi tiêu phân lỏng mỗi ngày so với trước khi bắt đầu điều trị, người bệnh vẫn cảm thấy khỏe.
Độ 2: nhiều hơn từ 4 đến 6 lần phân lỏng mỗi ngày so với trước khi bắt đầu điều trị, hoặc đau bụng,
hoặc có máu trong phân, hoặc buồn nôn, hoặc các triệu chứng tiêu chảy về đêm.
Độ 3 – 4: đi tiêu phân lỏng hơn sáu lần mỗi ngày so với trước khi bắt đầu điều trị, hoặc các triệu chứng xảy ra trong 1 giờ ăn uống; hoặc người bệnh tiêu chảy độ 1 hoặc 2 kèm triệu chứng khác chẳng hạn như mất nước, sốt hoặc nhịp tim nhanh.
4. Xử trí các tác dụng phụ
Các tác dụng phụ về da thường gặp có thể xử trí tùy theo mức độ của người bệnh. Việc điều trị dựa trên chủ yếu các kem bôi da có chứa chất giữ ẩm và kháng histamine, corticosteroide giảm tình trạng ngứa da. Sử dụng thuốc uống hoặc tiêm tĩnh mạch trong những trường hợp nặng.
Các tác dụng phụ về rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy cũng điều trị dựa trên mức độ nặng của người bệnh. Việc điều trị dựa trên chủ yếu các thuốc giảm nhu động ruột, chống tiêu chảy, corticosteroide đường uống hoặc đường tĩnh mạch theo mức độ nhẹ hay nặng của người bệnh. Đặc biệt người bệnh phải bổ sung đủ nước và các chất điện giải cần thiết.
Có những tác dụng phụ khác đối với các chất ức chế điểm kiểm tra không thường xuyên xảy ra, nhưng người bệnh nên nhận biết như sau
Các triệu chứng thần kinh xảy ra ở khoảng 4% – 6% số người bệnh được điều trị bằng ức chế CTLA-4 hoặc ức chế PD-1, hoặc lên đến 12% nếu được điều trị bằng cả hai loại kết hợp. Đặc điểm biểu hiện theo nhiều cách khác nhau (bao gồm cả yếu cơ, tê và khó thở). Điều trị các triệu chứng từ độ 2 trở lên bằng cách sử dụng corticosteroid uống hoặc tiêm tĩnh mạch.
Các triệu chứng thấp khớp - đau cơ hoặc đau khớp nhẹ hoặc trung bình xảy ra ở 2% –12% số người bệnh điều trị bằng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch, phổ biến hơn là thuốc ức chế PD-1. Điều trị chủ yếu là với thuốc giảm đau đường uống (các triệu chứng nhẹ đến trung bình), corticosteroid đường uống liều thấp (các triệu chứng trung bình), hoặc đối với các triệu chứng nghiêm trọng, cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa và dùng corticosteroid liều cao hoặc tiêm tĩnh mạch thuốc ức chế miễn dịch có thể cần thiết. Tại thời điểm này, việc tiếp tục điều trị bằng thuốc ức chế trạm kiểm soát có thể cần gián đoạn hoặc ngừng hẳn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng.
Các triệu chứng về thận - ít hơn 1% số người được điều trị bằng ức chế CTLA-4 hoặc ức chế PD-1 gặp các vấn đề về thận (khoảng 5% triệu chứng xuất hiện nếu được điều trị bằng hai loại trạm kiểm soát chất ức chế kết hợp); suy giảm đáng kể chức năng thận được điều trị bằng tiêm tĩnh mạch corticosteroid và can thiệp của bác sĩ chuyên khoa, điều trị bằng thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch lúc này có thể bị gián đoạn hoặc dừng lại.
Các triệu chứng tim - gặp ở ít hơn 1% những người được điều trị bằng thuốc ức chế CTLA-4 hoặc PD-1, những điều này yêu cầu giới thiệu sớm đến cơ sở y tế.
Tài liệu tham khảo
Boutros C, Tarhini A, Routier E, et al. Safety profiles of anti-CTLA-4 and anti-PD-1 antibodies alone and in combination. Nat Rev Clin Oncol 2016;13(8):473-486.
Champiat S, Lambotte O, Barreau E, et al. Management of immune checkpoint blockade dysimmune toxicities: a collaborative position paper. Ann Oncol 2016;27(4):559-574.
Haanen JBAG, Carbonnel F, Robert C, et al. Management of toxicities from immunotherapy: ESMO Clinical Practice Guidelines for diagnosis, treatment and follow-up. Ann Oncol 2017;28(suppl_4):iv119-iv142.
June CH, Warshauer JT, Bluestone JA. Is autoimmunity the Achilles’ heel of cancer immunotherapy? Nat Med 2017;23(5):540-547.
Kamta J, Chaar M, Ande A, Altomare DA, Ait-Oudhia S. Advancing Cancer Therapy with Present and Emerging Immuno-Oncology Approaches. Front Oncol 2017;7:64.
TS. BS Nguyễn Hoàng Quý
Bộ môn Ung thư – Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh
Khoa Nội tuyến vú tiêu hóa gan niệu – Bệnh viện Ung Bướu TP Hồ Chí Minh