SỐNG VUI - SỐNG KHỎE

“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương.
Mịt mờ khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.”

Một bài thơ mộc mạc dân gian nhưng dường như có thể giúp bạn giảm nỗi đau về thể xác và tinh thần, được cảm giác hòa mình vào thiên nhiên. Chất lượng cuộc sống của mỗi con người nói chung và của người bệnh nói riêng gồm hai mặt thể chất và tinh thần. Chúng ta cần nuôi dưỡng và quản lý tốt để có cuộc sống chất lượng hay còn gọi là “sống vui-sống khỏe”.

Bệnh nhân ung thư thường gặp những nỗi đau về bênh tật, tinh thần, niềm tin, tín ngưỡng, xã hội…. từ đó khái niệm chăm sóc giảm nhẹ được hình thành trong phác đồ điều trị nâng đỡ bênh nhân ung thư. Định nghĩa ý niệm chăm sóc giảm nhẹ theo thế giới và Việt Nam được trình bày sau đây:

- WHO (2002): “Chăm sóc giảm nhẹ là cách tiếp cận nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh và gia đình người bệnh, những người đang đối mặt với những vấn đề liên quan tới sự ốm đau đe dọa đến tính mạng, thông qua sự ngăn ngừa và làm giảm gánh nặng họ chịu đựng bằng cách nhận biết sớm, đánh giá toàn diện và điều trị đau và các vấn đề khác, thể lực, tâm lý xã hội và tinh thần”.

- Bộ Y tế Việt Nam (2006): “Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân ung thư là sự kết hợp nhiều biện pháp để làm giảm sự chịu đựngcải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh thông qua phòng ngừa, phát hiện sớm và điều trị đau và những vấn đề tâm lý và thực thể khác, đồng thời tư vấn và hỗ trợ nhằm giải quyết những vấn đề xã hội và tinh thần mà bệnh nhân và gia đình đang phải gánh chịu”.

- Cả hai định nghĩa đều nhấn mạnh về:

  1. Đáp ứng và làm giảm tất cả các loại tổn thương:
  2. Thực thể
  3. Tâm lý
  4. Xã hội
  5. Tinh thần
  6. Nâng cao chất lượng cuộc sống.
  7. Nhằm vào cả bệnh nhân và gia đình.

Tôi là bác sĩ chuyên khoa Ung bướu - học tập và làm việc trong ngành được gần 10 năm. Tôi may mắn có cơ hội đồng hành cùng bệnh nhân từ giai đoạn sớm đến giai đoạn muộn, và những giây phút sinh tử của bệnh nhân chăm sóc giảm nhẹ.

Nếu nói ‘sống vui sống khỏe bệnh nhân ung thư’ theo đề tài như trên là một điều dễ dàng thì thực sự không đúng. Điều quan trọng là trao đổi thông tin bệnh, tỷ lệ đáp ứng điều trị, tiên lượng thời gian sống - cần mang tính khách quan và chân thực đến người bệnh, từ đó bệnh nhân có kế hoạch sắp xếp công việc, gia đình, và thái độ với cuộc sống sắp tới.

Bệnh nhân ung bướu có tiên lượng sống và đáp ứng điều trị phụ thuộc vào loại cơ quan mang bệnh, giai đoạn bệnh. Những bệnh ung thư giai đoạn sớm có thể chữa trị khỏi như các loại ung thư vú, tuyến giáp, đại trực tràng, đầu mặt cổ, tiền liệt tuyến… có tiên lượng sống khỏi bệnh tương đối tốt, còn những bệnh giai đoạn cuối có tiên lượng sống cũng tương đối tạm ổn nếu điều trị liên tục duy trì như ung thư vú, đại trực tràng, ung thư phổi…. Tuy nhiên có những ung thư có tiên lượng xấu như ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư tụy, ung thư tế bào hắc tố (melanoma), … bác sĩ cần giải thích rõ thời gian sống cho bệnh nhân, từ đó để bệnh nhân có sự chuẩn bị về tâm lý và sắp xếp gia đình.

Tôi xin chia sẻ 2 ca bệnh nhân ung thư của tôi mặc dù giai đoạn cuối nhưng bệnh nhân của tôi đã có khoảng thời gian sống vui sống khỏe:

Một bệnh nhân nam 65 tuổi mắc bệnh ung thư đại tràng di căn gan, phổi đã được điều trị một thời gian ở bệnh viện khác sau đó chuyển vào bệnh viện tôi điều trị tiếp được 2 năm cho đến khi bác mất. Trong thời gian 2 năm, bác được dùng thuốc hóa trị với những phác đồ tốt nhất có thể trong bảo hiểm y tế vì gia đình bác khó khăn. Dù nhà xa Đồng Tháp nhưng bác luôn cố gắng cùng vợ tuân thủ điều trị mỗi 3 tuần. Bác từng là một người nông dân chăm chỉ lao động chính trong gia đình đông con, tôi luôn ngưỡng mộ khí chất mạnh mẽ, hào sảng, lạc quan, sức chịu đựng nỗi đau về thể xác - vì mục đích không làm gia đình lo lắng và không làm tôi quá bận lòng về bác. Tôi đã có cơ hội được bên cạnh chăm sóc bác đến giây phút bác mất, bác vẫn luôn kiên cường động viên tôi, giây phút cuối bác rất tỉnh táo để có thể gặp mặt những người thân trong gia đình. Tôi xin gửi lời tri ân đến bác đã cho tôi được gặp bác để tôi cảm nhận được tinh thần lạc quan, kiên cường và hạnh phúc của bác trong khoảng 2 năm ngắn ngủi đó. Dù bạn là ai, một người nông dân, một bác sĩ, hay một công nhân… thì bạn luôn có quyền sống tốt, mạnh mẽ và hạnh phúc dù trong hoàn cảnh khó khăn không thể tránh khỏi.

Một bệnh nhân nữ 27 tuổi, được mẹ chồng và chồng đưa vào bệnh viện cách đây 1,5 năm, em nhập viện vì khó thở nhiều, suy mòn suy kiệt vì uống thuốc nam, bỏ điều trị khi bệnh còn giai đoạn sớm. Em được chẩn đoán ung thư vú giai đoạn cuối di căn xương, phổi. Cũng như tôi nói ở trên ung thư vú dù giai đoạn cuối nhưng đáp ứng hóa trị duy trì kiểm soát bệnh tốt, tôi đã hóa trị trong 1,5 năm, em đã không còn khó thở, không còn tràn dịch màng phổi, bướu vú từ lở loét hôi thối đã khô lại và giảm kích thước đi rất nhiều, mở ra cơ hội được phẫu thuật vú để làm sạch khối ung thư đó. Nếu diễn tiến bệnh thuận lợi như vậy thì tốt cho cô gái trẻ xinh đẹp đó. Sau khoảng thời gian ngắn bệnh nhân từ chối nhập viện, tôi liên lạc với gia đình thì được biết em đã ly hôn - giây phút này tôi thấy bình thường vì nhiều bênh nhân nữ ung thư vú của tôi cũng gặp tinh huống tương tự. Tôi đã vận động em vì bà ngoại 80 tuổi và đứa con trai 3 tuổi tiếp tục điều trị. Ngày gặp lại em vẫn cười tươi với cặp lông mày đã rụng và bộ tóc giả do tác dụng phụ của hóa trị, nhưng tâm lý chưa ổn. Với vai trò bác sĩ, tôi vừa điều trị bệnh ung thư và tâm lý cho em. Tính đến thời điểm hiện tại, bệnh ổn định, em đã vui vẻ và sống thật tốt cùng ngoại và con trai nhỏ, ban ngày em đi làm công nhân để kiếm tiền nuôi gia đình, gần đây khi bướu vú nhỏ nhiều, hướng phẫu thuật đoạn nhũ tái tạo vú để bênh nhân có cuộc sống tự tin hơn. Tôi tin rằng với nghị lực phi thường, sắp tới dù có thêm điều gì khó chấp nhận xảy ra bệnh nhân vẫn giữ được nụ cười ấy bên cạnh người thân.

Điều trị tâm lý cho bệnh nhân ung thư gồm 2 khía cạnh: giải thích và thuốc đặc hiệu. Giải thích cho bệnh nhân những vấn đề hiểu sai, cái nhìn tiêu cực về bênh lý ung thư, nâng đỡ sự tương tác 4 bộ phận “gia đình - nhân viên y tế - xã hội - tâm linh tín ngưỡng” để trụ vững tinh thần sống tốt sống khỏe. Tuy nhiên, khi khía cạnh giải thích đơn thuần không đạt được tiêu chí, bệnh nhân cần được tiến hành tiếp cận chuyên gia bác sĩ tâm thần học dùng thuốc hỗ trợ bênh nhân ổn định vượt khoảng thời gian không mong muốn này.

Tôi luôn mong đợi tất cả bênh nhân ung thư luôn được quan tâm chăm sóc nỗi đau về thể chất và tinh thần từ nhân viên y tế nói riêng, xã hội nói chung. “Sống vui - sống khỏe” của bệnh nhân ung thư được ý niệm ở mức tương đối – chỉ cần đạt được sự thoải mái nhất mà họ cảm nhận.

                                                                     BSCK1 NGUYỄN THỊ KIM BẠCH

Bệnh viện 175, Thành phố Hồ Chí Minh

Cập nhật bởi VIỆN UNG THƯ QUỐC GIA