QA, GIẢI ĐÁP CỦA CHUYÊN GIA - NHỮNG THẮC MẮC CỦA BỆNH NHÂN KHI ĐIỀU TRỊ MIỄN DỊCH UNG THƯ

1. LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH LÀ GÌ?

Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị sử dụng hệ thống miễn dịch của chính bản thân người bệnh để chống lại căn bệnh ung thư.

Hiện có nhiều liệu pháp miễn dịch đã, đang được áp dụng và nghiên cứu tại các cơ sở chuyên điều trị ung thư. Tùy theo từng loại mà chúng có cơ chế hoạt động khác nhau. Một số liệu pháp giúp hệ miễn dịch tăng cường chống chọi lại bệnh, số khác có khả năng “hướng dẫn” hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể, liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng đơn lẻ trong điều trị hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác như hóa trị, xạ trị.

2. CÓ BAO NHIÊU NHÓM LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH TRONG ĐIỀU TRỊ UNG THƯ?

Hiện có 5 nhóm liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư:

  • Nhóm thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch: Điểm kiểm soát miễn dịch là một phần trong hệ thống miễn dịch giúp hệ miễn dịch không hoạt động quá mức, tránh tổn hại đến các tế bào lành trong cơ thể. Bằng cách khóa những điểm kiểm soát miễn dịch, những thuốc này có thể giải phóng “phanh hãm” các tế bào miễn dịch, giúp chúng hoạt động mạnh hơn để tiêu diệt tế bào ung thư.
  • Liệu pháp chuyển tế bào T: tế bào bạch cầu lympho T trong hệ miễn dịch có nhiệm vụ tìm kiếm, phát hiện và tiêu diệt các tế bào bệnh. Để thực hiện liệu pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành lấy máu ngoại vi của bạn ra và trích xuất các tế bào lympho T, sau đó chúng được đưa vào phòng thí nghiệm để tăng sinh và biến đổi thành các tế bào có khả năng tiêu diệt khối u tối ưu hơn, cuối cùng chúng được truyền trả lại vào máu cho bạn. Liệu pháp này nhằm mục tiêu đẩy mạnh hoạt động tiêu diệt tế bào ung thư của tế bào lympho T của hệ miễn dịch.

Có 2 dạng liệu pháp chuyển tế bào T: 1) Liệu pháp TIL (tumor infiltrating lymphocyte - tế bào lympho thâm nhập khối u); 2) Liệu pháp tế bào CAR-T (Chimeric antigen receptor T cells - tế bào T mang thụ thể kháng nguyên dạng khảm). Liệu pháp TIL được nhận thấy có hiệu quả đối với bệnh u hắc tố ác tính, ung thư cổ tử cung loại tế bào biểu mô gai, ung thư đường mật; tuy nhiên liệu pháp này vẫn còn trong quá trình thử nghiệm. Liệu pháp tế bào CAR-T hiện đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ cấp phép sử dụng trong điều trị ung thư máu và đang được nghiên cứu để điều trị các bệnh lý ác tính của bướu đặc như ung thư vú hay ung thư não.

  • Nhóm thuốc kháng thể đơn dòng: Kháng thể là một protein của hệ miễn dịch, do tế bào lympho B sản xuất để chống lại các tác nhân lạ xâm nhập cơ thể (ví dụ vi rút, vi khuẩn hay tế bào ung thư…). Kháng thể đơn dòng là một loại kháng thể được chế tạo trong phòng thí nghiệm, có khả năng liên kết với một điểm đặc hiệu trên tế bào u. Do có tính đặc hiệu nên nhóm thuốc này là một dạng của liệu pháp nhắm trúng đích. Tuy nhiên một số kháng thể đơn dòng còn có khả năng đánh dấu tế bào u hoặc mang các tế bào lympho T đến gần khối u hơn, giúp hệ miễn dịch dễ dàng nhận thấy và tiêu diệt. Do vậy những thuốc kháng thể đơn dòng này cũng được xem là một dạng của liệu pháp miễn dịch.

Các loại thuốc được sử dụng hiện nay: 1) Rituximab điều trị u lympho không Hodgkin, bạch cầu lympho mạn; 2) Blinatumomab điều trị bạch cầu lympho cấp dòng tiền thân tế bào B.

  • Vắc-xin điều trị ung thư: Vắc-xin điều trị bệnh khác vắc-xin dự phòng bệnh. Tuy có cùng cơ chế là thúc đẩy hệ miễn dịch tìm và tiêu diệt các tác nhân lạ xâm nhập cơ thể (bao gồm tế bào u), nhưng vắc-xin điều trị được sản xuất để sử dụng cho những người mắc bệnh lý ung thư, có tác dụng chống lại các tế bào u, chứ không nhằm ngăn chặn các tác nhân gây ra ung thư. Ngoài ra, liệu pháp vi rút ly giải bướu cũng được xem là vắc-xin điều trị ung thư. Loại vi rút này được tiêm vào khối u để chúng lây nhiễm, tăng sinh, từ đó phá hủy các tế bào ung thư mà không gây hại cho các tế bào lành.

Các loại thuốc được sử dụng hiện nay: 1) Sipuleucel-T điều trị ung thư tuyến tiền liệt; 2) Talimogene laherparepvec điều trị u hắc tố.

  • Thuốc điều hòa miễn dịch: giúp tăng cường phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại tế bào ung thư. Một số thuốc có tác động lên một phần của hệ miễn dịch, một số khác có tác động lan tỏa hơn.

Các loại thuốc được sử dụng hiện nay: 1) Nhóm Cytokin bao gồm Interferon-anpha (IFN-anpha) điều trị bệnh bạch cầu tế bào lông, u lympho nang, u lympho Hodgkin, u hắc tố ác tính và Interleukin-2 (IL-2) điều trị ung thư thận, u hắc tố ác tính; 2) BCG (vắc xin phòng bệnh lao) điều trị ung thư bàng quang; 3) Nhóm thuốc điều hòa miễn dịch như Thalidomide, Lenalidomide, Pomalidomide, Imiquimod điều trị các bệnh lý huyết học và hạch.

3. LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH CÓ THỂ ĐIỀU TRỊ NHỮNG BỆNH LÝ UNG THƯ NÀO?

Tại thời điểm này, không phải tất cả các loại bệnh ung thư đều có thể điều trị bằng liệu pháp miễn dịch.

Ung thư phổi và u hắc tố ác tính là hai bệnh lý đầu tiên được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ chấp thuận sử dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị bệnh do đã có nhiều nghiên cứu lớn với các dữ liệu lâu dài chứng tỏ được hiệu quả chúng.

Ngoài ra, một số loại bệnh lý ác tính khác ở giai đoạn muộn có thể được hưởng lợi ích từ liệu pháp miễn dịch như: ung thư đầu và cổ, ung thư gan, ung thư dạ dày, ung thư đại trực tràng, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư hạch bạch huyết, bệnh bạch cầu…

4. AI LÀ NGƯỜI THÍCH HỢP ĐỂ ĐIỀU TRỊ LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH?

Không phải ai mắc các bệnh lý ung thư kể trên đều là ứng cử viên cho điều trị liệu pháp miễn dịch. Tùy vào từng bệnh lý, giai đoạn bệnh và loại liệu pháp miễn dịch mà bác sĩ cho bạn biết bạn có thể điều trị ngay hay không, hay cần phải làm thêm hóa mô miễn dịch hay giải trình tự gen để xác định xem liệu pháp miễn dịch đó có mang lại lợi ích cho bạn hay không.

Các xét nghiệm này thường được làm trên mẫu máu hoặc mẫu mô lấy từ khối u của bạn nhằm tìm kiếm sự thay đổi của một số loại protein hay gen nhất định. Bạn có thể thích hợp điều trị liệu pháp miễn dịch nếu xét nghiệm cho thấy khối u của bạn có biểu hiện PD-L1 dương tính (≥1%), bất ổn định vi vệ tinh cao (MSI-H) hay gánh nặng đột biến khối u (TMB) cao (≥10 đột biến trên một megabase chiều dài ADN).

Ngoài ra, nếu bạn mắc phải bệnh ung thư ở giai đoạn muộn nhưng không thể chịu được các phương pháp điều trị thông thường theo hướng dẫn, bạn có thể được phép tham gia vào các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng (nếu có tại cơ sở y tế) về hiệu quả của thuốc miễn dịch mới trong điều trị bệnh ung thư mà bạn mắc phải hoặc trong điều trị các dấu ấn di truyền nhất định được phát hiện trên gen của bạn.

5. LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH CÓ HIỆU QUẢ NHƯ THẾ NÀO?

Hiệu quả của các phương pháp điều trị ung thư nói chung và liệu pháp miễn dịch nói riêng phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến người bệnh (tuổi, các bệnh lý đi kèm…) và bệnh lý ung thư (ví dụ loại bệnh ung thư, giai đoạn bệnh, đặc điểm tế bào u, đặc điểm gen di truyền…). Qua nhiều nghiên cứu, liệu pháp miễn dịch được ghi nhận có hiệu quả trong điều trị một số bệnh lý ung thư và đặc biệt ít tác dụng không mong muốn hơn hóa trị. Hơn nữa, khác với hóa trị hay xạ trị, liệu pháp miễn dịch có thể đem lại thời gian bệnh đáp ứng lâu dài, mặc dù các trường hợp này chỉ chiếm khoảng 25%. Một số nhà nghiên cứu cho rằng hệ miễn dịch có thể tiếp tục ghi nhớ các tế bào u sau khi đã ngừng sử dụng liệu pháp miễn dịch.

6. LÀM SAO ĐỂ BIẾT ĐIỀU TRỊ LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH CÓ HIỆU QUẢ HAY KHÔNG?

Để đánh giá đáp ứng điều trị bệnh với bất kỳ phương pháp nào, bạn cần tái khám thường xuyên theo lịch hẹn với bác sĩ điều trị của mình. Bác sĩ sẽ thăm khám, chỉ định bạn thực hiện các xét nghiệm máu và/hoặc xét nghiệm hình ảnh định kỳ mỗi 2-4 tháng để đánh giá hiệu quả điều trị.

Khác với hóa trị, một số ít người bệnh khi sử dụng liệu pháp miễn dịch có thể gặp phải trường hợp khối u sưng to hơn mặc dù họ cảm thấy khỏe hơn và đạt được hiệu quả điều trị. Đây được gọi là hiện tượng “giả tiến triển”, nguyên nhân là do các tế bào miễn dịch tập trung nhiều tại khối u, tấn công mạnh mẽ các tế bào ác tính gây nên tình trạng viêm và hoại tử u. Thực tế trên thực hành lâm sàng, hiện tượng “giả tiến triển” có thể gây nhầm lẫn, khó phân biệt với tiến triển thật. Do vậy bạn cần tuân theo lịch điều trị và theo dõi định kỳ để các bác sĩ có đầy đủ thông tin để xem xét, đánh giá đáp ứng bệnh của bạn một cách chính xác nhất.

7. NGƯỜI BỆNH ĐIỀU TRỊ LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH CÓ THỂ GẶP NHỮNG TÁC DỤNG KHÔNG MONG MUỐN GÌ?

Các tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc và loại bệnh ung thư mà bạn gặp phải. Một số tác dụng không mong muốn như:

  • Các phản ứng liên quan đến truyền dịch.
  • Các triệu chứng giống cúm như: mệt mỏi, sốt, ớn lạnh, đau cơ hoặc xương, đau đầu, ăn mất ngon, buồn nôn, chóng mặt, tăng hoặc giảm huyết áp.
  • Phản ứng da như da mẩn đỏ, phồng rộp, khô, nứt nẻ, nhạy cảm với ánh sáng, viêm quanh móng.
  • Các vết loét ở miệng.
  • Ho, khó thở, viêm phổi.
  • Tiêu chảy hoặc viêm đại tràng.
  • Phù chân, tăng cân.
  • Thay đổi hoóc môn như suy giáp.

Các tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch có thể xảy ra một thời gian ngắn sau khi bắt đầu điều trị, sau vài tháng điều trị, hay thậm chí sau khi bạn đã ngừng điều trị. Các tác dụng phụ có thể nặng hơn khi bạn sử dụng phối hợp nhiều liệu pháp miễn dịch hay phối hợp liệu pháp miễn dịch với các phương pháp điều trị ung thư khác như hóa trị. Đa phần các tác dụng phụ có thể điều trị được và thuyên giảm, hiếm có trường hợp nghiêm trọng. Tuy nhiên nếu không được kiểm soát kịp thời thì chúng có thể trở nặng và gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì thế khi gặp phải bất kỳ triệu chứng khó chịu nào bạn cần phải báo cho bác sĩ để được họ ghi nhận, chú ý và nếu cần thiết có thể kê đơn thuốc giúp bạn cảm thấy dễ chịu hơn.

8.CÁCH SỬ DỤNG LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH?

Các loại liệu pháp miễn dịch khác nhau có cách sử dụng khác nhau, có thể thông qua 1 trong 4 dạng sau đây:

  • Dạng tiêm truyền tĩnh mạch (thường gặp nhất).
  • Dạng uống.
  • Dạng bôi.
  • Dạng bơm trực tiếp vào bàng quang.

9. THỜI GIAN ĐIỀU TRỊ LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH?

Khoảng cách giữa các đợt điều trị có thể là mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng hoặc trong một chu kỳ thời gian nhất định tùy thuộc vào loại thuốc mà bạn sử dụng.

Thời gian điều trị kéo dài bao lâu tùy thuộc vào loại ung thư, giai đoạn bệnh, loại thuốc mà bạn sử dụng và đáp ứng điều trị của bạn với thuốc.

10. TRONG QUÁ TRÌNH ĐIỀU TRỊ, KHI NÀO CẦN LIÊN HỆ NHÂN VIÊN Y TẾ?

Trong quá trình điều trị liệu pháp miễn dịch, bạn cần liên hệ cơ sở y tế để được thăm khám ngay khi có các biểu hiện sau:

  • Tim đập nhanh hoặc đau ngực \.
  • Các dấu hiệu nhiễm trùng, chẳng hạn như sốt và ớn lạnh.
  • Khó thở hoặc khó nuốt.
  • Tiêu chảy hoặc viêm đại tràng.
  • Tình trạng tinh thần bị thay đổi.
  • Phát ban da nhiều.

 

https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/types/immunotherapy

https://www.cancer.net/navigating-cancer-care/how-cancer-treated/immunotherapy-and-vaccines/side-effects-immunotherapy

https://www.cancerresearch.org/en-us/immunotherapy/what-is-immunotherapy

https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/treatment-types/immunotherapy.html

https://www.cancer.org/treatment/treatments-and-side-effects/treatment-types/immunotherapy/what-is-immunotherapy.html

https://www.cancercenter.com/community/blog/2021/01/immunotherapy-cancer

https://www.cancercenter.com/treatment-options/precision-medicine/immunotherapy

https://www.cancerresearchuk.org/about-cancer/cancer-in-general/treatment/immunotherapy/what-is-immunotherapy

https://my.clevelandclinic.org/health/treatments/11582-immunotherapy

https://en.wikipedia.org/wiki/Immunotherapy#Cancer

https://nci.vn/mien-dich-ung-thu/tien-bo-cua-dieu-tri-mdut-tren-the-gioi-dieu-gi-khien-mdut-tro-thanh-mot-cuoc-cach-mang-trong-dieu-tri-ung-thu-2 

Bác sĩ Nguyễn Tiến Sơn

Khoa Nội 1 - Bệnh viện Ung bướu Tp. Hồ Chí Minh

Cập nhật bởi VIỆN UNG THƯ QUỐC GIA