NHỮNG CÁCH ĐỂ TĂNG CƯỜNG MIỄN DỊCH TỰ NHIÊN CỦA CƠ THỂ

1. Hoạt động thể chất

Mối quan hệ giữa hoạt động thể chất và khả năng miễn dịch đã được nghiên cứu rất nhiều. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng hoạt động thể lực mức độ vừa phải giúp giảm khả năng nhiễm trùng so với những người ít vận động hoặc những người có cường độ hoạt động quá nặng.[13]

Một số nghiên cứu cho thấy tập thể dục mức độ trung bình trong thời gian dài có thể cải thiện nhiều khía cạnh trong chức năng miễn dịch như cải thiện số lượng tế bào có chức năng miễn dịch khi tập thể dục cường độ cao [17], làm tăng đáp ứng miễn dịch sau tiêm phòng cúm khi tập thể dục nhịp điệu thường xuyên, [8]. Một số nghiên cứu khác cho thấy rằng đối với lớn tuổi hơn và những người béo phì tập thể dục trong 12 đến 15 tuần cường độ trung bình (ví dụ: 30-45 phút với nhịp tim tăng so với trung bình khoảng 60% đến 75%, 5 lần mỗi tuần) làm giảm tỷ lệ và thời gian nhiễm trùng so với những người ít vận động [30].

Tuy nhiên, nếu tập thể dục gắng sức quá mức cũ có thể ức chế miễn dịch, do đó tác động của việc tập thể dục còn phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe cũng như cường độ và loại bài tập thực hiện [6].Sự đáp ứng của hệ thống miễn dịch với hoạt động thể chất phụ thuộc vào thời lượng, cường độ và loại vận động [30]. Một trong những cơ chế chính của vận động lên hệ miễn dịch là làm tăng cường quá trình nhận diện các yếu tố gây hại, tăng số lượng tế bào miễn dịch và tăng quá trình thải loại những yếu tố gây hại [28]. Ví dụ, hoạt động cường độ trung bình (đạp xe) trong thời gian khoảng 1 giờ đã được chứng minh là làm tăng khả năng đáp ứng miễn dịch của tế bào bạch cầu đa nhân trung tính trong máu.[24]

Thêm vào đó hoạt động ở mức vừa phải thường xuyên tạo cho cơ thể một môi trường có khả năng kháng viêm. Đây là cơ chế cơ bản quan trọng trong bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng viêm mãn tính (ví dụ: bệnh tim mạch, đái tháo đường typ 2, béo phì) [27].Dựa trên các chứng cứ có sẵn, hoạt động thể lực thường xuyên mức độ trung bình (3-5 lần mỗi tuần, 30-45 phút một lần với cường độ trung bình) nên được khuyến khích nhờ khả năng tăng cường hệ miễn dịch chống nhiễm trùng cũng như khả năng kháng viêm.

Sự lão hóa có liên quan đến quá trình suy giảm miễn dịch. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng tập thể dục thường xuyên có thể góp phần làm giảm hoặc trì hoãn sự bắt đầu quá trình suy giảm miễn dịch ở người già.[23] Nghiên cứu của tác giả Simpson [22] cũng cho thấy rằng tập thể dục có thể làm tăng sản sinh các tế bào miễn dịch non từ tuyến ức và / hoặc loại bỏ tế bào già, mất chức năng.

Thêm vào đó người lớn tuổi ít đáp ứng tạo kháng thể hơn sau tiêm chủng khi so sánh với người trẻ. Sự giảm đáp ứng này do nhiều yếu tố nhưng thường do sự giảm chức năng tế bào lympho (là các tế bào miễn dịch). Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng tập thể dục trong thời gian dài đã cho thấy khả năng cải thiện đáp ứng kháng thể cao hơn cũng như tăng khả năng sinh miễn dịch lâu dài đối với một số tác nhân nhiễm trùng như cúm, phế cầu và não mô cầu.[9]

2. Can thiệp dinh dưỡng

2.1 Béo phì

Dinh dưỡng có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp trên hệ miễn dịch. Béo phì là một vấn đề sức khỏe được quan tâm đặc biệt. Số lượng người béo phì trên toàn thế giới đã tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ qua và còn sẽ tiếp tục tăng lên trong những năm tới. Mối liên quan giữa béo phì với các vấn đề sức khỏe (ví dụ, bệnh tim mạch, tiểu đường) cũng như sự ảnh hưởng của béo phì lên hệ miễn dịch hiện đang được nghiên cứu rất nhiều. Sự dư thừa các chất dinh dưỡng gây ra rối loạn quá trình điều hòa miễn dịch, liên quan đến tình trạng viêm mãn tính nguy cơ phát triển nhiễm trùng cao hơn, đặc biệt là đối với đường hô hấp [31], Do đó, tăng cường tập thể dục ở người béo phì giúp cải thiện cân nặng, kháng viêm và tăng cường miễn dịch. [14]

2.2 Suy dinh dưỡng

Sự suy dinh dưỡng được đặc trưng bởi sự tiêu thụ năng lượng không đủ và sự thiếu hụt các chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng. Suy dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây suy giảm miễn dịch ở những nước đang phát triển thế giới [2]. Cách giải quyết vấn đề này đơn giản chỉ bao gồm tiêu thụ thực phẩm lành mạnh và chế độ ăn uống cân bằng. Tránh tiêu thụ quá mức bất kỳ chất dinh dưỡng nào, bổ sung đầy đủ năng lượng và các vi chất dinh dưỡng.

2.3 Carbohydrate

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mức carbohydrate được tiêu thụ ít hơn mức khuyến cáo sẽ làm tăng nguy cơ suy giảm miễn dịch, đặc biệt ở nhóm người vận động cường độ nặng [26]. Các nghiên cứu cho thấy tiêu thụ một lượng carbohydrate ( 30-60 g / h) trước và trong quá trình vận động cường độ nặng giùm giảm các đáp ứng gây stress một cách hiệu quả (các đáp ứng của stress làm giảm chức năng của hệ miễn dịch) cũng như làm tăng chức năng của các tế bào miễn dịch như tế bào lympho và tế bào NK.

2.4 Vi chất dinh dưỡng

Sự thiếu hụt một số vi chất dinh dưỡng (ví dụ: sắt, kẽm, vitamin A) có thể có ảnh hưởng xấu đến chức năng miễn dịch và chức năng miễn dịch thường được khôi phục về mức "bình thường" khi sự thiếu hụt chất dinh dưỡng được bổ sung đầy đủ. Có một số bằng chứng cho thấy rằng bổ sung vượt mức bình thường một số vi chất dinh dưỡng (tức là nhiều hơn mức khuyến cáo hàng ngày) có tác dụng hữu ích đối với hệ thống miễn dịch và tăng khả năng loại trừ một số tác nhân nhiễm trùng gây hại tuy nhiên hiện tại chưa có các bằng chứng khoa học về vấn đề này.

2.5 Chất chống oxy hóa

Sự bổ sung một số chất chống oxy hóa (chẳng hạn như vitamin C và E) cho thấy lợi ích đối với việc tăng cường chức năng miễn dịch Sử dụng vitamin liều cao (khoảng 10 lần nhu cầu cơ bản hàng ngày) đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng ở các vận động viên các môn thể thao sức bền cao  nhờ trung gian gián tiếp bởi tác động của các chất chống oxy hóa giảm thiểu phản ứng gây hại của các hormon gây stress và của các cytokine. [18]

2.6 Vitamin D

Gần đây có rất nhiều nghiên cứu đánh giá vai trò của vitamin D trong hệ thống miễn dịch và khả năng kháng nhiễm trùng. Các bằng chứng cho thấy vitamin D nếu không bổ sung đủ mức tối thiểu hàng ngày sẽ làm giảm khả năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh.[7]

2.7 Chất dinh dưỡng bổ sung hỗn hợp

Sự thiếu hụt riêng lẻ một chất dinh dưỡng thường rất hiếm và sự bổ sung kết hợp nhiều chất dinh dưỡng (ví dụ: vitamin tổng hợp, khoáng chất tổng hợp,.) sẽ hiệu quả trong những trường hợp thiếu hụt dinh dưỡng do chế độ ăn uống.[25] Một nghiên cứu [19] đã cho thấy sự tăng cường các chức năng miễn dịch của tế bào miễn dịch trên các vận động viên được bổ sung vitamin tổng hợp và bổ sung khoáng chất hàng ngày trong 3 tuần. Ngoài ra, bên cạnh các chế phẩm bổ sung dinh dưỡng có thể bổ sung nhiều chất dinh dưỡng bằng các nguồn thực phẩm tự nhiên như rau, trái cây,.. Nghiên cứu của tác giả Nieman và cộng sự đã cho  thấy tỷ lệ nhiễm trùng thấp hơn ở những người tiêu thụ lượng trái cây nhiều hơn 1,5 lần những người không tiêu thụ [15].

2.8 Các thực phẩm bổ sung có nguồn gốc từ sữa

Sữa bò là một nguồn phong phú các chất dinh dưỡng, cả về chất dinh dưỡng đa lượng và vi lượng. Ngoài ra sữa bò còn có chứa nhiều chất có hoạt tính sinh học như các kháng thể miễn dịch, chất tăng trưởng, và các yếu tố kháng khuẩn. Sữa bò có khả năng tăng cường chức năng miễn dịch thông qua khả năng kích hoạt các tế bào miễn dịch hoạt động..[21] Đa phần các nghiên cứu đều cho thấy lợi ích của việc bổ sung sữa bò giúp tăng cường khả năng miễn dịch cũng như giảm khả năng nhiễm trùng, cụ thể là khi bổ sung sữa bò hàng ngày trong khoảng ít nhất từ 2 đến 12 tuần đã có những lợi ích lên tính toàn vẹn của hàng rào niêm mạc ruột, tăng chức năng miễn dịch và giảm nguy cơ mắc cũng như triệu chứng của nhiễm trùng hô hấp trên.

2.9 Các chế phẩm sinh học chứa vi khuẩn có lợi sống cộng sinh (Probiotic).

Probiotics được định nghĩa là các vi sinh vật sống phù hợp được đưa vào hệ tiêu hóa với số lượng đủ để mang lại lợi ích sức khỏe cho vật chủ.[3]Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy rằng probiotic có tác dụng hữu ích đối với khả năng miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng. Bổ sung các chế phẩm probiotic thích hợp có thể điều chỉnh hệ vi sinh vật đường ruột và cải thiện sự cân bằng vi sinh vật. Hệ vi sinh vật đường ruột có thể tương tác với các tế bào biểu mô ruột và các tế bào miễn dịch giúp tạo ra các tác động có lợi trên da và đường hô hấp trên, điều hòa miễn dịch trên niêm mạc và trên toàn cơ thể, thay đổi  tính thấm của ruột và tạo thành rào cản khi có các yếu tố gây hại cũng như giúp tăng cường chức năng dinh dưỡng của đường ruột [10], từ đó gián tiếp cải thiện chức năng miễn dịch. Dạng probiotics phổ biến nhất là các thực phẩm lên men như sữa lên men hoặc các sản phẩm từ sữa (ví dụ: Sữa chua).

2.10 Các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật

Echinacea. Echinacea (hoa thanh cúc) là một tên chung cho một chi các loài thực vật ở Bắc Mỹ. Các nghiên cứu cho thấy Echinacea có một số lợi ích lên khả năng giảm tỷ lệ cũng như giảm thời gian kéo dài triệu chứng nhiễm trùng. Nghiên cứu của tác giả Shah [20] đã cho thấy Echinacea có thể làm giảm tỷ lệ cảm cúm hơn 50% và giảm đáng kể thời gian kéo dài nhiễm trùng ở những người có triệu chứng cảm cúm.

Polyphenol và các chất có nguồn gốc thực vật khác. Polyphenol và một sô·chất có nguồn gốc thực vật khác hiện đang được nghiên cứu như là các chất chống oxy hóa cũng như khả năng điều hòa miễn dịch. Nhiều chất còn cho thấy khả năng kháng khuẩn và kháng vi rút khi thử nghiệm trong phòng thí nghiệm. Hợp chất bioflavonoid quercetin đang được nghiên cứu nhiều trong lĩnh vực miễn dịch học thể thao. Đây là một loại polyphenol được tìm thấy ở tự nhiên trong nhiều loại thực phẩm bao gồm hành tây, một số loại trái cây, trái họ dâu, rau củ có màu xanh và trà. Khẩu phần hàng ngày khuyến cáo có thể trên 50 mg mỗi ngày. Nieman và cộng sự [16] trong nghiên cứu của mình cho thấy hàng ngày bổ sung quercetin (1000 mg mỗi ngày) trong 3 tuần trước và 2 tuần sau khi  vận động nặng làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng hô hấp trên xuống còn 5% so với 45% ờ những người không sử dụng. Một nghiên cứu khác cho thấy rằng sử dụng các thực phẩm có polyphenol trên những tình nguyện viên đang mắc cảm cúm giúp triệu chứng cải thiện trong vòng 2 - 3 ngày so với 6 ngày ở những người không sử dụng [29].Tóm lại, có nhiều bằng chứng rõ ràng về lợi ích của polyphenol đối với hệ miễn dịch và khả năng kháng nhiễm trùng. Tuy nhiên, hiện các cơ chế vẫn được làm sáng tỏ và cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định lợi ích của polyphenol trong khả năng hỗ trợ tăng cường miễn dịch.

3. Giảm stress (Giảm căng thẳng)

Nhiều dữ liệu đã cho thấy rằng sự căng thẳng mãn tính có liên quan đến sự suy giảm nhanh chóng chức năng miễn dịch. Từ đó các liệu pháp giúp giảm căng thẳng bao gồm hỗ trợ các vấn đề về tâm lý xã hội của người bệnh và chuẩn bị các kỹ năng đối mặt với căng thẳng được phát triển ngày càng nhiều. Những liệu pháp này có thể giúp đảo ngược quá trình suy giảm chức năng miễn dịch đồng thời tăng cường khả năng miễn dịch ở người được điều trị so với những người không được điều trị.[1].

4. Tiêm chủng

Hầu hết các loại vắc xin được sử dụng để giúp phục hồi khả năng miễn dịch đã có từ trước đối với một số loại vi khuẩn, virus hoặc vi sinh vật khác. Sự suy giảm đáp ứng đặc hiệu với vi khuẩn hoặc virus sau một thời gian dài không tiêm vaccin nhắc lại có thể do sự giảm số lượng và chức năng của tế bào miễn dịch đặc hiệu với tác nhân gây hại [5]. Do đó, tiêm chủng thường xuyên đúng theo lịch hẹn cũng như tiêm nhắc lại sau một thời gian dài không tiêm vaccin sẽ giúp duy trì khả năng miễn dịch của cơ thể với các yếu tố gây hại này.

BSCKI Võ Ngọc Huân

Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh

Cập nhật bởi VIỆN UNG THƯ QUỐC GIA