Điều trị miễn dịch là liệu pháp điều trị bằng cách kích thích hệ miễn dịch nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Điều trị miễn dịch có thể ảnh hưởng đến bất kỳ mô cơ quan nào trong cơ thể, tuy nhiên thường gặp nhất là trên da, đại tràng, phổi, gan và các tuyến nội tiết. Các tác dụng phụ có thể xảy ra từ mức độ nhẹ cho tới mức độ nặng - đe dọa tính mạng. Tác dụng phụ được phân làm 4 độ: độ 1: nhẹ; độ 2: trung bình; độ 3: nghiêm trọng; độ 4: rất nghiêm trọng.
Phần lớn các tác dụng phụ xảy ra ở mức độ nhẹ hoặc trung bình và thường hồi phục nếu được phát hiện sớm và điều trị một cách thích hợp, thường diễn ra sau vài tuần hoặc vài tháng kể từ khi bắt đầu điều trị, tuy nhiên, có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong quá trình điều trị: như xuất hiện sớm ngay sau ngày truyền đầu tiên hoặc thậm chí 1 năm sau khi đã kết thúc quá trình điều trị. Do đó điều quan trọng là bạn cần thông báo cho bác sĩ nếu có triệu chứng nào mới xuất hiện, hay triệu chứng cũ đã có nhưng nặng nên hoặc bất cứ triệu chứng bất thườngkhiến bạn cảm thấy lo lắng. Bạn sẽ được theo dõi sát nhằm phát hiện sớm các tác dụng phụ và đánh giá hiệu quả của điều trị. Theo dõi điều trị bao gồm xét nghiệm máu, thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm khác liên quan đến các triệu chứng nghi ngờ trước mỗi chu kỳ điều trị hoặc tại bất kỳ thời điểm nào khi có các dấu hiệu bất thường.
Xử trí do tác dụng phụ do điều trị miễn dịch được phân loại một cách cơ bản như sau:
Corticosteroid là thuốc thường được sử dụng khi xảy ra các tác dụng phụ do điều trị miễn dịch ở mức độ nặng. Các tác dụng phụ thường gặp do sử dụng corticosteroid là thèm ăn, tăng cân, giữ nước và tăng huyết áp. Việc dừng điều trị corticosteroid một cách đột ngột có thể xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, mất ngủ, vã mồ hôi. Do đó khi điều trị với corticosteroid cần giảm liều từ từ và dưới sự hướng dẫn của bác sỹ.
Sau khi phục hồi khỏi các tác dụng phụ việc quyết định có nên điều trị tiếp với thuốc miễn dịch hay không phụ thuộc vào mức độ hoạt động của bệnh, mức độ đáp ứng của bệnh với điều trị và nguy cơ xuất hiện các tác dụng phụ do việc điều trị miễn dịch.
Là độc tính thường gặp nhất, thường sau điều trị vài tuần và phần lớn ở mức độ nhẹ. Độc tính trên da có thể dưới dạng nổi ban phẳng hay sẩn cục, ngứa, nổi bọng nước trên da. Bạn cần chú ý xem có bao nhiêu vùng da trên cơ thể có dấu hiệu trên, nổi ban có đi kèm ngứa, bỏng rát hay căng da không, bọng nước có gây đau hay không, ban và bọng nước có ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày không. Nếu ban hoặc bọng nước chiếm dưới 30% diện tích da, có thể điều trị bằng kem bôi có chứa corticoid và cân nhắc trì hoãn điều trị. Nếu diện tích vùng da tổn thương trên 30%, bạn cần ngưng điều trị miễn dịch, bắt đầu sử dụng thuốc corticosteroid đường uống hoặc đường truyền và giám sát của bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Một độc tính khác có thể gặp là ngứa, bạn cần thông báo cho bác sĩ, bao nhiêu phần da của cơ thể bị ngứa và có thay đổi trên da vùng bị ngứa hay không, ngứa có liên tục không và có ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày hay không. Ngứa xảy ra ở mức độ 1,2 tức là không ảnh hưởng đến giấc ngủ và các hoạt động cần thiết hàng ngày có thể kiểm soát bằng thuốc uống kháng histamine và/hoặc thuốc đối vận GABA như gabapentin và pregabalin. Ngứa mức độ nặng có ảnh hưởng đến hoạt động cần thiết hàng ngày và giấc ngủ, bạn cần tạm ngừngliệu pháp miễn dịch và bắt đầu sử dụng corticosteroid.
Mệt mỏi là triệu chứng thường gặp. Đôi khi mệt mỏi nghiêm trọng có thể là dấu hiệu của thiếu hụt hocmon. Khi xuất hiện mệt mỏi bạn cần thông báo với bác sĩ. Khi mệt mỏi bạn sẽ được làm xét nghiệm máu và xét nghiệm các loại hocmon trong máu. Nếu độ 1 (hồi phục khi nghỉ ngơi) hoặc 2 (giới hạn các hoạt động hàng ngày) bạn có thể tiếp tục sử dụng thuốc miễn dịch. Khi ở độ 3 (không thể chăm sóc bản thân và thực hiện các công việc hàng ngày như tắm) bạn có thể cần ngưng sử dụng liệu pháp miễn dịch.
Triệu chứng thường gặp trên đường tiêu hóa là tiêu chảy và viêm ruột. Thường xuất hiện trong 6-8 tuần sau khi bắt đầu điều trị. Tiêu chảy là tăng số lần đi ngoài trong ngày so với bình thường và phân có nước. Viêm ruột biểu hiện đi ngoài phân có nước, đau bụng và đi ngoài phân có máu và sốt, đôi khi bạn cần đi ngoài khẩn cấp. Bạn cần chú ý tình trạng đi ngoài của bản thân trước khi điều trị, so sánh và thông báo cho bác sĩ khi có các triệu chứng bất thường. Bác sĩ sẽ cho bạn xét nghiệm phân để loại trừ các nguyên nhân khác như do vi khuẩn, virus hay ký sinh trùng. Đôi khi Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn cần chụp phim CT bụng và tiểu khung khi có viêm ruột nặng. Mức độ nhẹ (1-3 lần/ng và không có triệu chứng viêm ruột) bạn cần uống đủ nước và uống thuốc chống tiêu chảy. Mức độ 2 (4-6 lần/ ngày và có triệu chứng viêm ruột) liệu pháp miễn dịch cần được ngừng và bắt đầu sử dụng corticosteroid. Mức độ nặng (trên 6 lần trên ngày và có triệu chứng viêm ruột và có ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày) cần được ngưng liệu pháp miễn dịch, dùng corticosteroid và chăm sóc ở chuyên khoa hồi sức.
Viêm gan là tác dụng phụ ít gặp và thường không có triệu chứng, được phát hiện dựa trên xét nghiệm máu. Điều trị phụ thuộc nồng độ transaminase và bilirubin trong máu.
Viêm phổi kẽ có thể gặp do liệu pháp miễn dịch. Triệu chứng thường gặp nhất là khó thở, có hoặc không kèm theo ho khan, sốt hoặc đau ngực. Viêm phổi kẽ có thể quan sát thấy trên phim chụp kể cả khi không có triệu chứng trên lâm sàng. Tùy thuộc triệu chứng bạn cần làm các xét nghiệm: đo nồng độ oxy trong máu, xét nghiệm đờm, cấy máu và xét nghiệm nước tiểu. Nội soi phế quản có thể cần thiết giúp loại trừ viêm phổi do nhiễm trùng. Chụp CT ngực có thể cần được làm để theo dõi khi điều trị. Tùy thuộc vào mức độ bệnh mà bạn sẽ được ngưng liệu pháp miễn dịch hoăc tiếp tục sử dụng
Ngoài ra có thể gặp các độc tính khác như trên hệ thần kinh, tim mạch, mắt, thận, tụy. Ảnh hường trên hệ thần kinh là rất hiếm gặp, có thể gặp tổn thương não, tủy sống và dây thần kinh. Một số các triệu chứng có thể gặp phải như nhược cơ (yếu toàn bộ các cơ trong cơ thể, yếu cơ vùng mặt có thể dẫn tới nhìn đôi, khó nuốt…), hội chứng Guillain –Barré, viêm màng não (đau đầu, sợ ánh sáng, sốt, cứng gáy, nôn), viêm não, viêm tủy. Ảnh hưởng rất hiếm gặp trên hệ tim mạch như viêm cơ tim, trên mắt như khô mắt, viêm mống mắt, viêm thượng củng mạc, trên thận như suy thận cấp và trên tụy như viêm tụy.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
ThS. BS Trần Thị Hậu
Khoa Nội 1, Bệnh viện K