LIỆU PHÁP VỀ TINH THẦN, GIẢM STRESS TRONG ĐỢT ĐIỀU TRỊ

Căng thẳng tâm lý ở người bệnh ung thư là gì?
     Ung thư là một bước ngoặt lớn đối với cuộc sống con người, bất kể màu da, lứa tuổi và hoàn cảnh kinh tế - xã hội. Người bệnh ung thư không chỉ đối mặt với tương lai bấp bênh, bệnh tật nặng nề mà còn rất nhiều vấn đề tâm lý xã hội có thể phát sinh trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh kéo dài. Theo thống kê của Mạng lưới ung thư toàn diện quốc gia Hoa Kỳ (NCCN) năm 2023, ngoài sự căng thẳng và lo sợ sau chẩn đoán ung thư, có tới 30% người bệnh có lo âu và 20-35% người bệnh có trầm cảm. Những khó khăn về tâm lý xã hội này có thể ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống và hoạt động của cả gia đình, cản trở khả năng thích nghi với bệnh tật và giảm sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Do vậy, chăm sóc người bệnh ung thư toàn diện không chỉ đòi hỏi điều trị thể chất hiệu quả bằng thuốc mà còn cần quan tâm chăm sóc tâm lý tối ưu.
     Mỗi người bệnh ung thư sẽ đối mặt với những thách thức về thể chất, cảm xúc, tâm lý và cuộc sống khác nhau tùy theo đặc điểm tính cách, hoàn cảnh kinh tế xã hội, trình độ văn hóa và mức độ nhận thức của mỗi người. Người bệnh ung thư ở các vị trí khác nhau và giai đoạn khác nhau cũng sẽ có đặc điểm tâm lý khác nhau. Nghiên cứu cho thấy các vấn đề tâm lý thường gặp nhất ở người bệnh ung thư bao gồm giai đoạn sốc tâm lý khi mới tiếp nhận chẩn đoán, cảm giác lo lắng về sức khỏe và tương lai, khó chịu hoặc đau đớn vì các triệu chứng thể chất và tác dụng phụ do điều trị như mất ngủ, mệt mỏi, nản lòng khi quá trình điều trị kéo dài. Ngoài ra, một số người bệnh còn cảm thấy căng thẳng vì các thay đổi về ngoại hình và hạn chế vận động, băn khoăn về gánh nặng chi phí và kinh tế, giảm vai trò trong gia đình và xã hội. Điều trị miễn dịch trong ung thư là một phương pháp điều trị tân tiến, giúp giảm tác dụng không mong muốn và tăng chất lượng sống của bệnh nhân ung thư lên đáng kể. Tuy nhiên thuốc miễn dịch vẫn có những ảnh hưởng nhất định đến tâm lý người bệnh do tác động đến hệ miễn dịch và chuyển hóa trong cơ thể làm thay đổi cảm xúc và chất lượng giấc ngủ, điều trị thuốc nhiều đợt kéo dài với chi phí tương đối cao so với điều trị hóa chất/phẫu thuật gây tăng gánh nặng chi phí và sức khỏe lâu dài.
Quản lý căng thẳng tâm lý trong quá trình điều trị
• Bước 1: Nhận biết và chấp nhận căng thẳng tâm lý
     Căng thẳng tâm lý có thể biểu hiện bằng các suy nghĩ tiêu cực quá mức, chán ăn, mất ngủ, uể oải mất năng lượng, không tập trung và hay do dự, dễ khóc hoặc cáu gắt. Người bệnh cần hiểu rằng các phản ứng tâm lý trên có thể là bình thường và hay gặp trong quá trình điều trị ung thư kéo dài. Việc cố gắng xua đi hay chống lại các khó chịu đó đôi khi sẽ làm nặng lên căng thẳng sẵn có. Do vậy trước hết người bệnh và gia đình cần quan sát, gọi tên lên các biểu hiện căng thẳng mình đang có và chấp nhận sự hiện diện của căng thẳng.
• Bước 2: Xác định việc mình có thể làm và việc không-phải-của-mình
     Rất nhiều trong số các nguyên nhân gây căng thẳng ở người bệnh ung thư xuất phát từ việc “mình không thể giải quyết hay kiểm soát được”, ví dụ như tiến triển của bệnh, phác đồ điều trị, thái độ của vợ/chồng/con cái với mình… Khi quá tập trung và ôm đồm vào những khó khăn ngoài tầm kiểm soát của bản thân thì người bệnh sẽ dễ cảm thấy quá tải, mệt mỏi quá mức, tiêu cực bi quan hơn thực tế, thậm chí trở nên tự ti, giảm giá trị hoặc buồn chán, trầm cảm. Gia đình và người chăm sóc có thể giúp người bệnh cùng trò chuyện và xác định lại những “việc mình có thể kiểm soát được” như ăn uống lành mạnh, chăm sóc giấc ngủ tốt, tập luyện vừa sức, làm các hoạt động có ý nghĩa và phù hợp ở giai đoạn này, đi khám đúng hẹn, dùng thuốc đầy đủ và đúng giờ…để giữ cho sức khỏe thể chất và tinh thần vững vàng và bền bỉ hơn trong thời gian điều trị.
• Tìm kiếm sự hỗ trợ chuyên môn phù hợp
     Trong một số trường hợp các căng thẳng tâm lý ở người bệnh không cải thiện khi đã áp dụng các liệu pháp tự kiểm soát nói trên, thậm chí còn nặng lên hoặc kéo dài, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình điều trị ung thư, thì người bệnh và gia đình nên tìm đến những nguồn hỗ trợ sức khỏe tâm thần phù hợp như bác sĩ, chuyên gia tâm lý, nhân viên công tác xã hội được đào tạo. Sự hỗ trợ bằng thuốc hoặc liệu pháp tâm lý có thể làm giảm căng thẳng và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh rõ rệt.
Kinh nghiệm giảm bớt mệt mỏi trong quá trình điều trị
• Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ và phù hợp. Sử dụng đủ nước (30-40 ml/kg/ngày)
• Thực hiện các biện pháp duy trì chất lượng giấc ngủ tốt (tắm nước ấm trước khi ngủ, nghe nhạc nhẹ, uống sữa ấm…)
• Tránh nằm hoặc ngồi liên tục nhiều giờ ban ngày. Tranh thủ thực hiện các hoạt động thể chất thường xuyên, vừa sức ngay cả khi không hứng thú.
• Viết ra các lo lắng và suy nghĩ tiêu cực làm mình mệt mỏi. Nếu có thể hãy tâm sự, chia sẻ với người thân và người có thể hỗ trợ cảm xúc phù hợp (cán bộ tâm lý, bác sĩ tâm lý, nhân viên y tế và công tác xã hội được đào tạo).
• Lập kế hoạch cụ thể cho mỗi ngày ngay khi thức giấc buổi sáng. Cố gắng ưu tiên những việc có lợi cho sức khỏe, phù hợp với giá trị cá nhân, và có ý nghĩa với cuộc sống trong giai đoạn hiện tại.
• Tự khen ngợi và trao thưởng cho bản thân ngay khi đạt được các mục tiêu nhỏ đã đề ra. Ghi nhận sự cố gắng của bản thân và mọi người. Thực hành thiền biết ơn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Zeng, Y., Hu, CH., Li, YZ. et al (2024). Association between pretreatment emotional distress and immune checkpoint inhibitor response in non-small-cell lung cancer. Nat Med 30, 1680–1688. https://doi.org/10.1038/s41591-024-02929-4.
2. Trần Thị Thanh Hương, Trần Văn Thuấn. Kỹ năng giao tiếp và Tâm lý Ung thư (2020). Nhà xuất bản Y học. Hà Nội.
3. Bi Z, Li W, Zhao J, et al (2022). Negative correlations of psychological distress with quality of life and immunotherapy efficacy in patients with advanced NSCLC. Am J Cancer Res. 12(2):805-815. PMID: 35261803; PMCID: PMC8899984.
4. Cohen M, Shamay Y, Czamanski-Cohen J, et al (2023). Linkage between Psychological Factors and Response to Immune Checkpoint Inhibitor Therapy: A Preliminary Study. Cells. 12(20):2471. doi: 10.3390/cells12202471. PMID: 37887315; PMCID: PMC10605722.
5. Watson M. và Kissane D.W., btv. (2011). Front Matter. Handbook of Psychotherapy in Cancer Care. John Wiley & Sons, Ltd, Chichester, UK, i-xviii.
6. Hamann H.A. và Kendall J. (2013). Growing a Psychosocial Oncology Program within a Cancer Center. Oncol Issues, 28(4), 32-39.
7. NCCN (2012). NCCN Clinical Practice Guidelines in Oncology (NCCN Guidelines®) Distress Management. 64.
8. Goerling U., btv. (2014), Psycho-Oncology, Springer Berlin Heidelberg, Berlin, Heidelberg.
9. Department of Health, State of Western Australia (2008), Psycho-Oncology Model of Care, Western Australia Cancer and Palliative Care Network.

BS. Đỗ Tuyết Mai
Khoa Điều trị A, Bệnh viện K

Cập nhật bởi VIỆN UNG THƯ QUỐC GIA