LIỆU PHÁP MIỄN DỊCH - CHÌA KHÓA MỞ RA NHIỀU NGÀY MAI CHO BỆNH NHÂN UNG THƯ PHỔI KHÔNG TẾ BÀO NHỎ

Năm 2020, ung thư phổi vẫn là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu do ung thư, chiếm 18% tổng số ca tử vong vì ung thư trên toàn thế giới. Trong đó, hơn 60% số ca tử vong do ung thư phổi trên toàn cầu xảy ra tại Châu Á. Số ca tử vong do ung thư phổi dự kiến sẽ tăng lên đến hơn 1,8 triệu ca ở Châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2040.
Ung thư phổi được chia thành hai loại là: Ung thư phổi không tế bào nhỏ chiếm khoảng 85-90% và ung thư phổi loại tế bào nhỏ chiếm khoảng 10-15%. Trong bài này, chỉ đề cập đến ung thư phổi loại không tế bào nhỏ.
Có ba phương pháp chính điều trị ung thư phổi:
1. Phẫu thuật
2. Xạ trị
3. Điều trị liệu pháp toàn thân
Tùy theo từng giai đoạn bệnh cụ thể, các bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh các lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp như phẫu thuật, xạ trị hoặc các điều trị toàn thân như hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch...
Trước đây việc điều trị ung thư phổi giai đoạn muộn thì hóa trị toàn thân là phương pháp điều trị chủ yếu giúp kéo dài thời gian sống thêm nhưng thường không quá 1 năm, kèm theo cần phải chọn lọc người bệnh do tác dụng phụ không mong muốn nhiều. Trong những năm gần đây việc điều trị ung thư phổi đã có nhiều bước tiến vượt bậc cải thiện được thời gian sống còn của người bệnh ung thư phổi với ít tác dụng phụ hơn. Một trong những bước tiến quan trọng của việc điều trị ung thư phổi là liệu pháp miễn dịch.
Một số liệu pháp miễn dịch đã được nghiên cứu và sử dụng trong điều trị ung thư như:
• Liệu pháp tế bào CAR-T: Các tế bào miễn dịch sẽ được lấy ra từ máu của người bệnh. Sau khi được xử lý để nhận diện đặc hiệu loại ung thư cần điều trị, các tế bào này được truyền lại vào cơ thể người bệnh. Từ đó, các tế bào miễn dịch này sẽ giúp cho hệ miễn dịch cơ thể chống lại tế bào ung thư tốt hơn và đã được áp dụng nhiều trong ung thư hệ bạch huyết.
• Liệu pháp kháng thể đơn dòng: Đây là các protein của hệ thống miễn dịch. Sau khi gắn vào tế bào ung thư, các kháng thể đơn dòng này sẽ giúp tế bào miễn dịch nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư dễ dàng hơn như ung thư hệ bạch huyết, ung thư vú.
• Vắc-xin trị liệu: Các tế bào ung thư có chứa các chất gọi là kháng nguyên liên quan đến bướu (tumor-associated antigens). Các kháng nguyên này vốn không có hoặc có rất ít trên các tế bào bình thường. Vắc-xin trị liệu được huấn luyện giúp hệ thống miễn dịch nhận biết và tác động đến các kháng nguyên này, giúp tiêu diệt các tế bào ung thư như trong ung thư tiền liệt tuyến.
• Thuốc điều hòa miễn dịch: Đây là những thuốc giúp điều hòa hệ thống miễn dịch của cơ thể, tăng khả năng hệ thống miễn dịch chống lại khối bướu như các cytokines, BCG hay các thuốc điều hòa miễn dịch như thalidomide, lenalidomide... Cytokines là các protein được tạo bởi các tế bào máu (như interferons, interleukins...) sẽ giúp các tế bào miễn dịch trở nên hoạt động hơn và tiêu diệt bướu như ung thư bàng quang, đa u tủy...
• Thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (immune checkpoint inhibitors – ICIs): Là phát minh của hai nhà khoa học James P Allison - Tasuku Honjo về chốt kiểm miễn dịch và đạt giải Nobel Y Học năm 2018 đã mang lại hi vọng sống cho nhiều bệnh nhân ung thư như ung thư da, phổi, vú, bàng quang, đại trực tràng, bàng quang...Trong đó ung thư phổi không tế bào nhỏ giai đoạn tiến xa, di căn không có các đột biến gen đã đạt hiệu quả hơn so với hóa trị.
Chúng ta biết rằng, hệ miễn dịch của chúng ta có tế bào lympho T với khả năng nhận diện và tiêu diệt các tế bào ung thư. Tuy nhiên, tế bào ung thư đã tự biến đổi để lẩn tránh sự nhận diện của tế bào lympho T. Một trong các con đường lẫn trốn tế bào lympho T là thông qua chốt kiểm soát miễn dịch PDL-1/PD-1. Phân tử PDL-1 (nằm trên màng tế bào ung thư) sẽ gắn kết với PD-1 (nằm trên tế bào lympho T) làm bất hoạt tế bào lympho T, từ đó thoát khỏi sự nhận diện và tiêu diệt tế bào ung thư của tế bào lympho T.


Tại Việt Nam hiện có 2 thuốc thuộc nhóm ức chế điểm kiểm soát miễn dịch được chấp nhận sử dụng trong điều trị ung thư phổi là Pembrolizumab và Atezolizumab. Đồng thời các xét nghiệm để xác định những người bệnh phù hợp với phương pháp này.
Với Pembrolizumab bệnh nhân có thể sử dụng đơn trị hoặc phối hợp với hóa trị cho những bệnh nhân có PDL1 ≥50%. Thời gian sống thêm toàn bộ ở nhóm bệnh nhân này lên tới 30 tháng, tỷ lệ bệnh nhân sống còn sau 5 năm đạt tới 33%.
Ở nhóm bệnh nhân có bất kỳ biểu hiện PDL1, sử dụng Pembrolizumab phối hợp với hóa trị (Hai 2 nghiên cứu là Keynote 189 và Keynote 407), thời gian sống còn lên tới 22 tháng, tỷ lệ bệnh nhân sống còn sau 3 năm vẫn còn lại 1/3 tổng số người bệnh, gấp đôi so với hóa trị đơn thuần. Thời gian từ lúc điều trị cho tới lúc người bệnh có tiến triển không phù hợp điều trị trong nhóm bệnh nhân sử dụng Pembrolizumab là 9 tháng dài gấp đôi so với nhóm chỉ hóa trị (4.9 tháng).
Với thuốc liệu pháp miễn dịch khác là Atezolizumab dựa theo nghiên cứu IMpower 150 trên 1202 bệnh nhân, sử dụng kết hợp bốn loại thuốc, bao gồm hai thuốc hóa trị, một thuốc miễn dịch mới khác (atezolizumab) và thuốc kháng sinh mạch (bevacizumab) cũng cho hiệu quả cải thiện thời gian sống còn cho các bệnh nhân là 19.2 tháng so với điều trị hóa trị là 14.7 tháng.
Thời gian từ lúc điều trị cho tới lúc người bệnh có phát triển bệnh trở lại trong nhóm bệnh nhân sử dụng Atezelizumab là 8.3 tháng hơn so với nhóm hóa trị (6.3 tháng).
Ngoài hiệu quả kể trên của phương pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch thì các tác dụng phụ không mong đợi thường do liên quan đến vấn đề miễn dịch cũng cần quan tâm như viêm phổi, viêm thận, viêm gan, viêm giáp ...Tuy nhiên các tác dụng phụ và tác dụng phụ nghiêm trọng cực kỳ thấp, đồng thời nhân viên y tế sẽ đánh giá và triển khai cận lâm sàng trước mỗi lần điều trị.
Với sự xuất hiện của liệu pháp miễn dịch đã đem lại những bước tiến vượt bậc trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ, chìa khoá mở ra nhiều ngày mai tươi sáng hơn cho người nhân.

BSCK2. Lâm Quốc Trung
Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. HCM

 

Cập nhật bởi VIỆN UNG THƯ QUỐC GIA