. Liệu pháp miễn dịch là gì
Hệ miễn dịch là một mạng lưới các tế bào, mô và các cơ quan hoạt động cùng nhau để bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và các tác nhận lạ xâm nhập vào cơ thể. Liệu pháp miễn dịch là một phương pháp điều trị ung thư bằng cách tăng cường khả năng chống lại ung thư của hệ miễn dịch. Sử dụng những nguyên liệu được sản sinh bởi cơ thể hoặc trong phòng thí nghiệm, phương pháp này tăng cường, nhắm vào hoặc khôi phục lại hệ miễn dịch của người bệnh.
Một số liệu pháp miễn dịch tấn công các tế bào ung thư hoặc làm chậm lại sự lan rộng của chúng đến các phần khác của cơ thể. Một số khác giúp hệ miễn dịch phá hủy tế bào ung thư một cách dễ dàng hơn. Bác sĩ của bạn có thể khuyến nghị sử dụng liệu pháp miễn dịch trước, sau hoặc cùng lúc với các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như hoá trị, xạ trị. Liệu pháp miễn dịch có thể được sử dụng riêng rẽ.
2. Các loại liệu pháp miễn dịch
Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch, bao gồm: thuốc ức chế điểm miễn dịch, kháng thể đơn dòng, liệu pháp tế bào T, vaccine ung thư, thuốc điều hoà hệ miễn dịch, liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu. Các kháng thể đơn dòng hoạt động giống như kháng thể tự nhiên mà cơ thể sản xuất để chống lại các chất gây hại. Chúng được thiết kế để nhắm vào các protein đặc hiệu của tế bào ung thư. Đa số các liệu pháp miễn dịch mới đều là kháng thể đơn dòng. Các kháng thể này còn có thể được gọi là chất ức chế điểm kiểm soát (checkpoint inhibitor). Chất ức chế điểm kiểm soát là một loại thuốc ung thư đặc hiệu cho phép hệ miễn dịch tiêu diệt tế bào ung thư. Một số liệu pháp miễn dịch khác có thể đưa những liều phóng xạ nhỏ hoặc những loại thuốc ung thư khác đến tế bào ung thư. Các vaccine điều trị ung thư vẫn chưa phổ biến, nhưng nhiều loại trong số đó đang được thử nghiệm lâm sàng. Vaccine điều trị ung thư là phương pháp trình diện kháng nguyên để huấn luyện hệ miễn dịch. Việc này giúp cho hệ miễn dịch nhận diện và phá hủy kháng nguyên đó cùng với các thành phần liên quan trong tế bào ung thư. Một số ví dụ về liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu là các interferon và các interleukin, hay liệu pháp hiện nay vẫn được áp dụng là tiêm BCG trong ung thư bàng quang.
3. Tác dụng phụ của liệu pháp miễn dịch
Các liệu pháp miễn dịch khác nhau gây ra những tác dụng phụ khác nhau. Ảnh hưởng của liệu pháp miễn dịch tới mỗi người phụ thuộc vào loại ung thư,vị trí khối u, liều điều trị và tình trạng sức khoẻ. Khi điều trị với các thuốc miễn dịch, bác sĩ điều trị sẽ tập trung vào phòng, phát hiện và kiểm soát các tác dụng phụ. Hãy trao đổi với bác sĩ về bất kì tác dụng phụ nào mà bạn gặp phải. Tác dụng phụ của điều trị miễn dịch có thể gồm phát ban; huyết áp thấp; và triệu chứng giống như cúm như là sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi, và nôn. Liệu pháp miễn dịch không đặc hiệu cũng có thể gây ra triệu chứng giống như cúm, cũng như gia tăng nguy cơ nhiễm trùng, phát ban, và rụng tóc. Đa số các tác dụng phụ sẽ biến mất sau điều trị, mặc dù một số tác dụng phụ lâu dài có thể xảy ra nhiều tháng hoặc nhiều năm sau điều trị.
4. LỢI ÍCH ĐIỀU TRỊ MIỄN DỊCH
Khác với cơ chế tác dụng của các phương pháp điều trị truyền thống trước kia trong điều trị ung thư như hoá trị và xạ trị, liệu pháp miễn dịch chủ yếu nhằm kích hoạt hệ miễn dịch của bệnh nhân nhận diện ra tế bào ưng thư để tiêu diệt, không ảnh hưởng đến các tế bào thông thường. Chính vì vậy, liệu pháp miễn dịch được coi là đặc hiệu hơn với tế bào ung thư.
Đặc điểm này cũng đến từ sự khác biệt trong nguyên lý của miễn dịch ung thư. Đối với các phương pháp cổ điển xạ trị hay hoá trị thường tiêu diệt với các tế bào ung thư trực tiếp từ bên ngoài. Trong khi đó, liệu pháp miễn dịch thường là gián tiếp thông qua hệ miễn dịch: tế bào T, tế bào đáp ứng miễn dịch,… để tiêu diệt tế bào ung thư. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong rất nhiều trường hợp và trong nhiều bệnh lý ung thư khác nhau, khi bệnh nhân đã kháng với các phương pháp điều trị cổ điển như hoá trị và xạ trị thì điều trị miễn dịch vẫn có hiệu quả.
Đây là một đặc điểm mang đến nhiều hi vọng nhất cho bác sĩ cũng như bệnh nhân ung thư khi sử dụng liệu pháp miễn dịch để điều trị. Khi bệnh nhân đạt đáp ứng với điều trị, đáp ứng điều trị thường kéo dài. Do hệ miễn dịch của bệnh nhân có khả năng ghi nhớ, sinh ra các kháng thể đặc trưng với bệnh. Khi bệnh quay trở lại sẽ kích hoạt lại hệ miễn dịch để đáp ứng, tiêu diệt các tế bào ung thư. Chính bởi khả năng này mà trong một số trường hợp, khi điều trị khối u đã đạt đáp ứng thu nhỏ lại, bệnh nhân phải ngưng điều trị thuốc do một số nguyên nhân khác, người ta vẫn thấy khối u tiếp tục thu nhỏ lại trong một thời gian dài sau đó.
5. Hạn chế của liệu pháp miễn dịch
Mặc dù có ưu điểm vượt trội là tấn công đặc hiệu vào tế bào ung thư, ít gây tổn thương các mô bình thường, đáp ứng điều trị kéo dài,… Tuy nhiên liệu pháp miễn dịch cũng có những hạn chế
Thứ nhất, do ở mỗi người biểu hiện kháng nguyên ung thư không giống nhau nên khả năng đáp ứng điều trị cũng khác nhau. Do đó, các nhà nghiên cứu cố gắng “cá nhân hóa” liệu pháp miễn dịch, bằng cách xác định trình tự gen đột biến sinh kháng nguyên ung thư hoặc liệu pháp tế bào miễn dịch – TIL (Tumor-infiltrating lymphocytes - tế bào miễn dịch thâm nhiễm khối u) riêng của từng bệnh nhân trong điều trị.
Thứ hai, bản thân các sản phẩm miễn dịch nhân tạo (như các mAbs) cũng là một phân tử lạ với cơ thể, vì vậy chúng có thể gây ra phản ứng chống lại chính nó. Ngoài ra, tế bào lympho mang thụ thể kháng nguyên khảm được hoạt hóa kèm theo hội chứng giải phóng cytokin và gây ra các triệu chứng viêm quá mức. Quan trọng hơn, các tế bào T này có “trí nhớ miễn dịch” nên nếu hội chứng cytokin xảy ra, sẽ không dễ dàng để loại bỏ hoàn toàn như việc ngưng các liệu trình hóa-xạ trị khi có biến chứng. Các tác dụng phụ có thể cũng kéo dài ngay cả khi chúng ta đã ngưng điều trị
Thứ ba, cơ chế hoạt động của liệu pháp miễn dịch là sự nhận biết và gắn kết đặc hiệu giữa các kháng thể/tế bào chức năng với kháng nguyên ung thư. Vì vậy, thách thức cần giải quyết là phân biệt tế bào ung thư với các mô bình thường. Hiện nay, các nhà khoa học đang cố gắng xác định các dấu ấn đặc hiệu cho các loại ung thư khác để từ đó áp dụng liệu pháp này một cách hiệu quả.
Thứ 4, hiện tại không phải tất cả các bệnh đều có thể được điều trị bằng liệu pháp miễn dịch. Trong một số bệnh, hiện nay liệu pháp miễn dịch chưa đem lại hiệu quả: ung thư tuyến giáp, một số khối u ở não.
Thứ 5, không phải tất cả mọi bệnh nhân ung thư đều có thể sử dụng liệu pháp miễn dịch: bệnh nhân suy giảm miễn dịch – HIV/AIDS, bệnh nhân mắc các rối loạn miễn dịch: lupus ban đỏ, bệnh khớp tự miễn,…
Cuối cùng, cho dù bệnh nhân có đạt đáp ứng kéo dài, đáp ứng tốt thì vẫn có trường hợp kháng với điều trị. Nhiều giả thuyết đã được đưa ra đối với các trường hợp kháng với điều trị bao gồm: giảm bộc lộc dấu ấn miễn dịch của tế bào ung thư, sự ức chế phản ứng miễn dịch tại vi môi trường khối u, giảm hoạt động của dấu ấn miễn dịch khối u, hay tăng bộc lộ các dấu ấn miễn dịch khác mà cơ thể chưa nhận diện được,…
6. Kết luận và định hướng tương lai
Khi mà ung thư trở thành một vấn đề không phải của riêng khoa học mà còn của toàn xã hội, thì sự cần thiết các phương pháp mới, hiệu quả hơn nhưng ít tác dụng phụ hơn, luôn được đặt ra. Tuy chỉ mới phát triển trong vài chục năm gần đây nhưng liệu pháp miễn dịch đã nhanh chóng chứng minh được ưu điểm và tiềm năng của nó để trở thành một “trụ cột” mới trong điều trị ung thư.
Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại những thách thức đòi hỏi phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, chủ yếu cần tập trung xác định cơ chế biểu hiện kháng nguyên đặc hiệu thông qua các con đường tín hiệu tế bào hay ảnh hưởng của các yếu tố di truyền biểu sinh (epigenetics). Các nghiên cứu cũng được phát triển nhằm mở rộng hơn nữa việc sử dụng liệu pháp miễn dịch như điều trị cho nhiều bệnh lý ung thư hơn, với nhiều bệnh nhân hơn, hay xác định được các yếu tố chỉ điểm nhằm tiên đoán mức độ đáp ứng với điều trị miễn dịch. Sử dụng liệu pháp miễn dịch kết hợp cùng các biện pháp khác nhằm tăng hiệu quả điều trị hơn nữa,….
Ngoài ra, các thử nghiệm lâm sàng cũng cần tiến hành để đưa ra liều hợp lý nhằm tránh hội chứng giải phóng cytokin và xa hơn nữa là đưa liệu pháp miễn dịch vào phác đồ điều trị một cách an toàn và hiệu quả.
Ở Việt Nam, liệu pháp miễn dịch vẫn là một kỹ thuật mới nên khó có thể áp dụng rộng rãi với một giá cả hợp lý cho mọi bệnh nhân ung thư trong tương lai gần. Tuy nhiên, trong những năm vừa qua, với sự nỗ lực của ngành y tế và toàn xã hội, các chương trình hỗ trợ bệnh nhân ung thư đã được ra đời nhằm giúp bệnh nhân có thể tiếp cận được nhiều hơn, tốt hơn với các phương pháp điều trị miễn dịch, đem lại hiệu quả cao hơn trong điều trị.
ThS. BS Nguyễn Hoàng Gia
Phó Khoa Nội 1, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội