Chán ăn là dấu hiệu thường gặp ở bệnh nhân ung thư hoặc bệnh nhân đang điều trị ung thư. Chán ăn là khi bệnh nhân ăn ít hơn bình thường, không cảm thấy đói, không muốn ăn hoặc nếm đồ ăn, hoặc cảm thấy no sau khi ăn một lượng nhỏ.
Chán ăn kéo dài có thể dẫn tới các hậu quả nghiêm trọng, bao gồm: sụt cân do thiếu chất dinh dưỡng, mệt và yếu do giảm khối cơ, lâu dần dẫn đến tình trạng suy kiệt.
Các nguyên nhân dẫn đến tình trạng chán ăn trên bệnh nhân ung thư:
Chán ăn ở người bệnh ung thư tập trung chủ yếu vào tác động miễn dịch của tế bào ung thư. Khối u sản xuất ra nhiều loại cytokine như yếu tố hoại tử u TNF, IL-1, IL-6 và interferon-ɤ là những chất có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cảm giác ngon miệng gây ra chán ăn.
Các khối u trong ổ bụng, có thể gây ra kích thích ruột hoặc cảm giác đầy bụng.
Các loại ung thư đầu – cổ, đường tiêu hóa có thể gây khó nuốt, gây đau, tạo cảm giác đầy bụng. Các loại ung thư buồng trứng, phổi, dạ dày, tụy thường gây chán ăn.
Gan – lách to chèn ép lên dạ dày và tạo cảm giác đầy bụng
Cổ chướng (dịch trong ổ bụng) cũng góp phần tạo nên cảm giác đầy bụng
Ung thư có thể gây ra nôn ói nhiều dẫn đến mất nước. Các khối u chèn ép vào dây thần kinh gây đau đớn, trầm cảm, căng thẳng.
Chán ăn gây ra do các tác dụng phụ của điều trị:
Các loại thuốc như: hóa trị, miễn dịch.
Xạ trị hoặc phẫu thuật lên các cơ quan tiêu hóa như: dạ dày, ruột non
Nhiễm trùng khoang miệng, đau miệng – lở miệng, khô rát miệng làm đau khi ăn, khó nhai, khó nuốt
Buồn nôn và nôn do tác dụng phụ của thuốc
Mệt nhiều không muốn ăn
Thay đổi vị giác: giảm hoặc mất vị giác
Các rối loạn tâm lý: trầm cảm, lo lắng
Đối với bệnh nhân ung thư và hoặc đang điều trị ung thư, việc duy trì cân nặng lý tưởng rất quan trọng. Việc sụt cân ở bệnh nhân ung thư di căn khi đang điều trị là một dấu hiệu chỉ điểm của việc không đáp ứng điều trị. Còn trên bệnh nhân ung thư đang được điều trị hỗ trợ, sụt cân sẽ làm tăng các tác dụng phụ của điều trị, giảm khả năng dung nạp của bệnh nhân đưa đến việc giảm liều hoặc trì hoãn điều trị. Như vậy, hiệu quả của việc điều trị hỗ trợ sẽ không còn toàn vẹn nữa.
Khi xuất hiện vấn đề ăn uống kém, bệnh nhân ung thư cần xác định các vấn đề cụ thể mình đang gặp phải là gì: chán ăn, thay đổi vị giác – khứu giác, buồn nôn – nôn, khô miệng, tiêu chảy hay táo bón.
Xử lý chán ăn:
- Chia nhỏ bữa ăn, 5-6 lần/ngày mỗi bữa cách 2-3 giờ, thay vì tập trung vào 3 bữa chính trong ngày, dùng các loại thức ăn giàu dinh dưỡng và để nơi dễ lấy.
- Thêm loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhiều năng lượng vào món ăn chính: bơ, phô mai, kem, sữa nguyên kem hoặc ít béo, đường, mật ong.
- Dùng các loại thức uống giàu dinh dưỡng: sữa, các loại nước ép trái cây, sữa chua uống yakult
- Chuẩn bị bữa ăn bắt mắt và mùi vị hấp dẫn
- Dùng đĩa to đựng thức ăn để thấy lượng đồ ăn nhỏ lại.
- Tránh loại thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ, đồ chiên và các loại thức ăn sinh hơi nhiều (các loại đậu đỗ, bông cải xanh – trắng, các loại nước có gas)
- Khôngtự giới hạn lượng thức ăn của mình
- Ăn tất cả các món ăn cảm thấy ngon miệng, lựa chọn thức ăn đa dạng.
- Nên ăn thêm các món tráng miệng, thực phẩm có chứa chất béo và đường là nguồn cung cấp năng lượng.
- Giữa các bữa ăn, lựa chọn thức ăn vặt giàu năng lượng và protein. Bao gồm trái cây khô, các loại đậu, , phô mai, trứng, sữa nguyên kem, ngũ cốc, bánh pudding, các loại bánh chứa nhiều thành phần protein.
- Luôn dự trữ đồ ăn vặt ưa thích bên mình
- Không nên uống nhiều nước trước, trong bữa ăn để tránh nhanh no, nên uống sau ăn.
- Nhờ gia đình hỗ trợ và chuẩn bị bữa ăn, vì nấu ăn sẽ làm giảm vị giác
- Ăn chung với gia đình, bạn bè để tăng cảm giác ngon miệng
- Tạo không khí thư giãn, dễ chịu khi dùng bữa, có thể xem chương trình TV yêu thích: nghe nhạc, ăn với người thân dưới ánh nến…
- Tránh nơi có mùi khó chịu vì điều này sẽ ảnh hưởng đến sự ngon miệng của mình
- Vận động nhẹ nhàng trước bữa ăn 1 giờ, việc này sẽ kích thích khẩu vị đồng thời duy trì khối lượng cơ. Cố gắng ngồi dậy và hoạt động khi có thể. Việc duy trì vận động đền đặn mỗi ngày để giảm căng thăng, cải thiện giấc ngủ và ngon miệng
- Không nên cố gắng quá sức, vì khi quá mệt mỏi sẽ làm giảm ngon miệng
- Vệ sinh răng, miệng sạch và giữ độ ẩm cho khoang miệng.
- Cóthể dùng một lượng nhỏ rượu vang để tăng khẩu vị, nếu không có chống chỉ định từ bác sĩ.
- Luôn cố gắng uống đủ nước
- Luôn cố gắng thử các loại thức ăn mới
- Tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để biết thêm về các loại thức ăn giàu dinh dưỡng
- Yêu cầu bác sĩ điều trị hỗ trợ thuốc giảm buồn nôn, nôn, táo bón, đau.
Làm gì khi thay đổi vị giác:
Thay đổi vị giác: hóa trị làm thay đổi các thụ thể vị giác tại miệng, xạ trị và phẫu thuật vùng đầu cổ làm tổn thương các tuyến nước bọt và vị giác tại lưỡi
Khi bạn không còn cảm giác được mùi vị của thức ăn nên hướng sự quan tâm của đến mặt hấp dẫn khác của món ăn như màu sắc, cách bày biện. có thể thử nhiều loại thức ăn từ đặc đến lỏng, từ nóng đến lạnh. Có thể mất đến vài tháng sau điều trị thì vị giác mới quay lại bình thường. Tuy nhiên một vài trường hợp, vị giác có thể mất vĩnh viễn.
Các việc NÊN làm:
- Tránh các loại thức ăn có vị lạ, nhưng có thể thử lại sau vài tuần khi vị giác bình thường trở lại
- Chọn loại thức ăn có vị đậm đà khi bạn cảm thấy nhạt miệng, có thể thêm tỏi, nước chanh, các loại rau mùi, các loại nước sốt, rau mùi, chanh, gừng, tỏi, đậu nành, mật ong, ớt, tiêu
- Trộn thêm vài muỗng dầu ô liu hoặc các loại rau thơm, gia vị theo sở thích khi làm nước sốt, có thể rưới thêm ít nước chanh hoặc rượu vang nếu muốn
- Nếu vị của thịt khó ăn, thử các nguồn protein khác: phô mai, trứng, hạt, sản phẩm từ sữa, hải sản, đậu)
- Thêm một ít đường nếu thấy đồ ăn đắng hoặc mặn
- Nếu đang bị lở miệng thì tránh dùng đồ quá cay
- Thay dụng cụ đựng thức ăn bằng đồ gỗ để giảm vị kim koại khi ăn đồ ăn
- Không ăn đồ quá nóng hoặc lạnh
- Luôn giữ sạch vệ sinh răng miệng nếu bạn bị giảm vị giác, nêm nếm thêm gia vị để tăng thêm khẩu vị
- Nếu bị đắng miệng, có thể dùng kẹo cứng vị bạc hà hoặc chanh trước mỗi bữa ăn
THAY ĐỔI KHỨU GIÁC, nên làm gì:
- Nếu mùi của đồ ăn làm bạn buồn nôn, thử dùng thức ăn đã được để nguội hoặc đồ lạnh để giảm mùi đồ ăn
- Tránh ăn quá nhiều các loại gia vị nặng mùi (tỏi, hành)
- Nếu không chịu được mùi khi nấu ăn, có thể nhờ người nấu hộ
- Bật quạt hút, mở cửa sổ và đậy nắp để giảm mùi khi nấu ăn hoặc nấu ngoài trời
- Tránh dùng bữa khi không khí trong phòng quá ngột ngạt hoặc quá nóng nực
- Giữ vệ sinh răng miệng cẩn thận để vị thức ăn thừa không gây mùi khó chịu
KHÔ MIỆNG
- Thường xuyên súc miệng để phòng nhiễm trùng, để tránh kích thích khoang miệng nên chọn loại súc miệng không có alcohol
- Sử dụng bàn chải mềm để chải răng
- Không ăn thức ăn dòn, khô, cứng, thức ăn muối, cay hoặc quá nóng quá lạnh, những loại này sẽ gây kích thíchtrong khoang miệng
- Làm mềm thức ăn bằng cách ngâm vào sữa, trà, cà phê, súp hoặc rưới thêm sốt thịt, kem
- Cắt nhỏ, nhuyễn thức ăn rồi rưới nước dùng lên để tránh thức ăn bị khô khi nhai
- Nhắp ít nước trong bữa ăn
- Có thể nhai kẹo cao su không đường để kích thích tuyến nước bọt
- Ngậm nước cốt nho, cốt dừa hoặc dầu ô liu để làm ẩm khoang miệng, tốt nhất vào ban đêm
- Làm ẩm môi bằng son dưỡng ẩm
BUỒN NÔN VÀ NÔN
- Dùng thuốc chống nôn theo chỉ định của bác sĩ
- Ăn nhiều bữa nhỏ > 60 p trước khi bắt đầu đợt điều trị hóa chất, ăn sau hóa trị vài giờ
- Ăn nhiều bữa nhỏ trong ngày cách nhau 2-3h, vì nhịn ăn trong thời gian dài sẽ làm nặng tình trạng buồn nôn
- Ăn vặt bằng các loại ngũ cốc, hạt khô, bánh quy
- Ăn hoặc uống thật chậm hoặc sau khi nhai kỹ
- Dùng nước gừng hoặc bánh gừng
- Chải răng và súc miệng thường xuyên để làm giảm mùi khó chịu sẽ gây buồn nôn
- Không nên dùng món ăn yêu thích khi buồn nôn vì như vậy sẽ để lại ấn tượng buồn nôn trong những lần sau.
- Khi cảm thấy đồ ăn mà mình thường ăn tạo cho mình cảm giác buồn nôn, bạn có thể thử để nguội hoặc còn hơi nóng.
- Nhai kỹ khi ăn
- Ăn đồ dễ tiêu và đồ ăn ít qua chế biến (luộc, hấp)
- Cần uống nhiều nước ngay cả khi không ăn được: nước trái cây ép, sinh tố, vị ngọt, lạnh hoặc có đá (không nên dùng nước cam lúc đói, bưởi vì gây kích thích dạ dày)
- Các nhà nghiên cứu đề nghị dùng thêm gừng để giảm nôn ói do hóa trị
- Có thể dùng kẹo bạc hà hoặc trà bạc hà để giảm cảm giác buồn nôn
Cần tránh:
- Nấu và ăn khi có cơn buồn nôn
- Thức ăn khô, nhiều dầu mỡ hoặc gây mùi mạnh
- Đánh răng ngay sau ăn
- Uống nước trước bữa ăn
- Hoạt động nặng sau ăn
- Ăn chung thức ăn nguội và thức ăn nóng
NÔN
- Nhấp từng ngụm nước nhỏ, thử dùng nước gừng, nước chanh đá, nước soda, nước điện giải, các loại nước ép.
- Thử ngậm kẹo, nước đá để làm dịu lại cơn buồn nôn
- Sau nôn, bạn phải uống đủ nước dịch và điện giải
- Liên lạc với bác sĩ khi không thể uống nước, hoặc nôn kéo dài hơn 24h, vì bạn sẽ có nguy cơ mất nước
- Uống nước chậm chậm ngay khi hết nôn
- Bắt đầu ăn lại từng ít một khi đã qua cơn nôn: các loại bánh khô, kẹo dẻo (táo, lê, đào), ngũ cốc.
- Uống sữa hoặc yakult lượng ít, tăng dần để giúp tiêu hóa
- Tăng lượng thức ăn lên dần dần không tăng quá đột ngột
Xử lý các tác dụng phụ khác cũng làm góp phần làm cải thiện triệu chứng chán ăn
- Lở miệng: súc miệng vài lần trong ngày, trước và sau ăn với nước muối kiềm. Dùng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ để không ảnh hưởng đến bữa ăn
- Mệt: khi nhịn ăn sẽ làm mệt nhiều hơn, ưu tiên thức ăn giàu protein và dinh dưỡng để cung cấp năng lượng và giúp cơ thể mau hồi phục
- Giảm mùi – vị: thử loại thức ăn mới
- Cảm giác đắng miệng: bạc hà, kẹo cao su
- Kiểm soát tiêu chảy: Tránh các loại thức ăn chứa nhiều chất xơ như đậu, bông cải xanh, bắp cải, bông cải trắng, ngũ cốc, bánh mì đen, gạo xát dối. Khi chưa rõ về loại thực phẩm nào có thể tham khảo ý kiến chuyên gia dinh dưỡng. Dùng các loại thức ăn tinh bột ít chất xơ: bánh mì và gạo trắng, pasta, khoai tây đã gọt vỏ. Uống nhiều nước để tránh bị mất nưỡc. Dùng thuốc cầm tiêu chảy theo chỉ định của bác sĩ
- Kiểm soát táo bón: uống nhiều nước, ăn thực phẩm nhiều chất xơ, duy trì vận động, yêu cầu thêm thuốc hỗ trợ từ bác sĩ
Chán ăn trên bệnh nhân ung thư không chỉ là một triệu chứng đơn lẻ mà là hậu quả của một vòng lẩn quẩn, mệt mỏi, khô miệng, lở miệng, nhiễm trùng – buồn nôn, nôn – tiêu chảy/ táo bón – chán ăn. Chăm sóc bệnh nhân ung thư cần có một sự chu đáo tinh tế để nhận ra các dấu hiệu bất thường cần chăm sóc y tế để cải thiện thể trạng chung của bệnh nhân và không ảnh hưởng đến điều trị ung thư.
Cuối cùng, điều quan trọng nhất chính là bệnh nhân nên chia sẻ những khó khăn của mình trong quá trình điều trị với bác sĩ điều trị để được có lời khuyên cụ thể cho từng giai đoạn của điều trị.
ThS. BS Phạm Hồng Minh
Khoa Nội tuyến vú - tiêu hoá- gan - niệu Bệnh viện Ung bướu TP. Hồ Chí Minh