HỆ MIỄN DỊCH CỦA CHÚNG TA HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?

Các sinh vật sống, kể cả con người, đang sống trong một môi trường có nhiều yếu tố lây nhiễm như các loại vi khuẩn, vi rút, kí sinh trùng hay độc chất. Để có thể giữ cơ thể luôn khỏe mạnh, hay chống chọi được với các tác nhân có hại xung quanh, phải nhờ đến hoạt động của hệ miễn dịch – một hệ cơ quan rất quan trọng trong cơ thể.

Hệ miễn dịch được phân chia thành hai loại là miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích nghi (hay còn gọi là miễn dịch mắc phải).

Miễn dịch bẩm sinh hình thành từ khi chúng ta được sinh ra. Chúng tạo nên các hàng rào vật lý và hóa học như lớp tế bào sừng ở da, lớp lông chuyển ở hệ hô hấp, nước mắt, nước bọt, dịch vị dạ dày… để ngăn cản sự xâm nhập bước đầu của các yếu tố có hại. Ngoài ra chúng còn kết hợp hoạt động từ các thành phần như bổ thể, bạch cầu trong máu (bạch cầu đa nhân trung tính, đại thực bào…), tế bào giết tự nhiên (natural kill cell)… khi các tác nhân gây hại xâm nhập được vào bên trong cơ thể.

Nếu như miễn dịch bẩm sinh tồn tại ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể, hoạt động không đặc hiệu đối với các tác nhân và không có tính “ghi nhớ” các phản ứng miễn dịch đã trải qua thì miễn dịch thích nghi hoàn toàn ngược lại vì có đầy đủ các tính chất: đặc hiệu, khả năng phân biệt tế bào nguồn gốc từ cơ thể hay ngoài cơ thể, có tính ghi nhớ và chỉ có ở một cơ quan như tủy xương, hạch, lách, amidan...

Miễn dịch thích nghi được hình thành trong quá trình sống của con người, chúng bao gồm hai loại tế bào chính là tế bào lympho T (tế bào T) và tế bào lympho B (tế bào B). Ngoài ra còn có sự đóng góp từ hoạt động của các tế bào trình diện kháng nguyên (APCs)

Cả tế bào T và tế bào B đều được hình thành ở tủy xương và phóng thích ra dòng máu, sau đó riêng tế bào T theo dòng máu đi đến tuyến ức để trải qua quá trình”huấn luyện”. Sau khi trưởng thành tại đây, có đầy đủ chức năng, tế bào T được phóng thích trở lại dòng máu, cùng với tế bào B tạo nên hệ miễn dịch thích nghi.

Tuy nhiên, tế bào T và B có cách thức hoạt động khác nhau. Khi có tác nhân từ bên ngoài xâm nhập, các tế bào trình diện kháng nguyên giúp nhận biết các tác nhân, từ đó kích hoạt hàng loạt các phản ứng. Trong đó, có thể là phản ứng tạo ra các kháng thể (immunoglobulin) từ tế bào B được gọi là miễn dịch dịch thể (humoral immune) hoặc có thể là quá trình kích thích, tập hợp nên một nhóm các tế bào có khả năng tiêu diệt tế bào ngoại xâm này được gọi là đáp ứng miễn dịch điều hòa tế bào từ tế bào T (cell-mediated immune response).

Hình 1: Phản ứng miễn dịch của tế bào T và B (Tham khảo và dịch từ nguồn: Chapter 24, The Adaptive Immune System - Molecular Biology of the Cell. 4th edition. Alberts Johnson A, Lewis J, et al. New York: Garland Science; 2002.)

Điểm qua về thành phần và hoạt động từ tế bào T.

Tế bào T gồm 2 loại tế bào chính:

- Tế bào T giúp đỡ (Helper T cell - CD4): chức năng tổng hợp các cytokin có khả năng điều hòa và kiểm soát các phản ứng của kháng thể và hoạt hóa chức năng các tế bào khác của hệ miễn dịch

- Tế bào T gây độc (Cytotoxic T cell - CD8) : chức năng tiêu diệt tế bào có hại

Thông thường, khi có tác nhân lạ  và kháng nguyên của chúng hiện diện, các kháng nguyên này sẽ được trình diện trên phức hợp phù hợp mô (MHC – Major Histocompatibility Complex) tại bề mặt của tế bào bị nhiễm hoặc tế bào trình diện kháng nguyên. Và trên bề mặt tế bào T cũng hiện diện các thụ thể (T – cell receptor TCR). Các thụ thể này có khả năng nhận biết và gắn chuyên biệt lên các kháng nguyên lạ, không xuất phát từ tế bào của cơ thể. Sau khi có sự gắn kết giữa thụ thể của tế bào T với kháng nguyên trên MHC, các con đường tín hiệu được kích hoạt từ màng tế bào vào trong tế bào dẫn đến phản ứng gây độc tế bào – tiêu diệt tác nhân gây bệnh.

Hình 2: Sự nhận biết và kết hợp đặc hiệu của tế bào T với tác nhân lạ thông qua sự biểu hiện của kháng nguyên trên MHC và thụ thể trên tế bào T (Nguồn tham khảo từ Internet)

Cơ chế hoạt động này áp dụng cho bất kì tế bào lạ xuất hiện trong cơ thể, có thể là tác nhân gây bệnh truyền nhiễm như vi khuẩn, vi rút… hay kể cả các loại tế bào ung thư xuất hiện trong cơ thể. Tuy nhiên trong một số loại ung thư, các nhà khoa học nhận ra rằng tế bào ung thư có thể thoát khỏi sự điều hòa từ tế bào T bằng một số cơ chế như:

- Mất đi hoặc thay thế phức hợp biểu hiện kháng nguyên: mất sự biểu hiện của MHC

- Kích thích hoặc tạo ra các yếu tố vi môi trường bất lợi xung quanh tế bào bướu (như cytokin, tế bào T điều hòa…) từ đó ức chế hoạt động của tế bào T.

- Biểu hiện các phân tử ức chế điểm kiểm soát miễn dịch như PD-L1 khi gắn với PD1 trên tế bào T cũng dẫn đến bất hoạt hoạt động của tế bào T.

Hình 3: Sự biểu hiện PD-L1 trên tế bào bướu, gắn với PD1 trên tế bào T làm ức chế hoạt động tiêu diệt tế bào của tế bào T. Liệu pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch phá vỡ mối liên kết này, giúp hoạt hóa lại hoạt động gây độc tế bào của tế bào T (Nguồn hình ảnh từ Internet)

Vì thế, ngoài các phương pháp điều trị truyền thống phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Phương pháp miễn dịch đã, đang được nghiên cứu và từng bước ứng dụng trong điều trị ung thư, cũng nhằm vào kết quả làm sao có thể làm tăng hoạt động miễn dịch chống lại tế bào lạ của chính các tế bào miễn dịch trong cơ thể người bệnh. Có nhiều hướng đi đang đươc nghiên cứu, nhưng phương pháp ức chế điểm kiểm soát miễn dịch như pembrolizumab, nivolumab… lên sự kết hợp giữa PD1/PD-L1 hay ipilimumab… trên cặp  CTLA-4/B7 đã chứng minh được hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng và áp dụng trong điều trị lâm sàng của một số loại ung thư như ung thư phổi, đại trực tràng, vú, melanom, bàng quang…

Bệnh ung thư đang dần trở thành một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trên toàn thế giới hiện nay. Các nỗ lực nhằm chống lại căn bệnh quái ác này ngày càng gia tăng. Ngoài các biện pháp phòng ngừa, tầm soát phát hiện sớm thì các phương pháp điều trị mới cũng đang được nghiên cứu như liệu pháp miễn dịch dựa trên cơ chế hoạt động của hệ miễn dịch cơ thể. Hy vọng, ngày càng có nhiều đột phá trong điều trị ung thư để có thể giảm bớt gánh nặng do căn bệnh này mang lại cho toàn nhân loại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Gartner, Leslie P. Textbook of Histology E-Book. Elsevier Health Sciences, 2020. Chapter 12, Lymphoid (Immune) System.
  2. org [Internet]. Cologne, Germany: Institute for Quality and Efficiency in Health Care (IQWiG); 2006-. The innate and adaptive immune systems. [Updated 2020 Jul 30]
  3. Molecular Biology of the Cell. 4th Alberts Johnson A, Lewis J, et al. New York: Garland Science; 2002. Chapter 24, The Adaptive Immune System.
  4. Pizzorno, Joseph E., and Michael T. Murray. Textbook of Natural Medicine-E-Book. Elsevier Health Sciences, 2020. Chapter 136, Immune System Support.
  5. Rich, Robert R., and David D. Chaplin. "The human immune response." Clinical Immunology. Content Repository Only!, 2019. 3-17.
  6. Shoushtari, Alexander N., J. Wolchok, and M. Hellman. "Principles of cancer immunotherapy." Atkins MB, editor (2017).

BSCK I. Nguyễn Huỳnh Hà Thu

Bệnh viện FV







Cập nhật bởi VIỆN UNG THƯ QUỐC GIA