CÁC LOẠI KHỐI U KHÁC: NHỮNG LOẠI UNG THƯ NÀO CÓ THỂ ĐIỀU TRỊ BẰNG MIỄN DỊCH Ở VIỆT NAM

1. Liệu pháp miễn dịch là gì?
Hệ miễn dịch tạo nên sức đề kháng, giúp bảo vệ cơ thể chúng ta chống lại sự xâm nhập của các tác nhân “lạ” và gây hại như vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Bên cạnh đó, cơ thể có cả các hoạt động miễn dịch chống lại sự xuất hiện và tồn tại của các tế bào “lạ” là tế bào ung thư.
Hệ miễn dịch bao gồm các tế bào bạch cầu có trong máu và các hạch lympho (các “chốt chặn” trên con đường tuần hoàn dịch bạch huyết trong cơ thể, các tế bào ung thư thường di căn theo con đường này, khi đó, muốn lan tràn toàn thân, các tế bào ung thư phải vượt qua được các chốt chặn này) và một số tổ chức trong hệ thống lympho. Liệu pháp miễn dịch giúp hệ miễn dịch tấn công tế bào ung thư thông qua các con đường hoạt hoá hệ miễn dịch.
Trong những năm vừa qua, liệu pháp miễn dịch là thành tựu nổi bật trong điều trị bệnh ung thư, đã mang đến giải Nobel Y học năm 2018 cho hai nhà khoa học Honjo Tasuku (Nhật Bản) và James P.Allison (Hoa Kỳ ), những người đặt nền tảng cho liệu pháp này.
2. Cơ chế liệu pháp miễn dịch
Có một số liệu pháp miễn dịch được áp dụng trong điều trị bệnh ung thư, trong đó quan trọng nhất và tiến bộ mới nhất là các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch. Trong một cơ thể bình thường, các tế bào miễn dịch “lympho T” nhận biết và không tấn công các tế bào khoẻ mạnh của cơ thể dựa trên cơ chế thông qua các điểm kiểm soát. Các tế bào khi bắt gặp lympho T tuần hành trong cơ thể, muốn không bị tấn công, phải bộc lộ các dấu ấn đặc biệt gắn tương ứng với các điểm kiểm soát, phát tín hiệu ức chế để tế bào lympho T không chuyển sang hoạt hoá. Đây cũng là một trong những cơ chế quan trọng giúp tế bào ung thư lẩn trốn hệ miễn dịch của cơ thể. Các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch là các chất ngăn chặn sự kết hợp các dấu ấn đặc biệt của tế bào ung thư gắn vào điểm kiểm soát, từ đó chúng không thể tiếp tục lẩn trốn và bị tế bào miễn dịch lympho T nhận biết và tiêu diệt.
Có 2 điểm kiểm soát miễn dịch (immuno checkpoint) phổ biến được nghiên cứu và ứng dụng điều trị là cytotoxic T-lymphocyte antigen 4 (CTLA-4) và programmed death receptor 1 (PD-1). Hoạt động kháng thể đơn dòng kháng PD1 và PD-L1 là ngăn cản gắn kết của PD1 trên bề mặt tế bào T vào chuỗi ligant của nó là PD-L1 trên bề mặt tế bào u ( kháng PD1) hoặc ngăn cản sự gắn kết PD-L1 với PD1 bộc lộ trên bề mặt tế bào T (kháng PD-L1). Các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch này giúp kích hoạt hệ miễn dịch, tấn công các khối u ác tính và ngăn sự phát triển của chúng. Các thuốc ức chế PD1 và PDL1 hiệu quả hơn, đồng thời gây ra ít tác dụng phụ hơn các thuốc ức chế CTLA-4, do vậy được nghiên cứu, ứng dụng rộng rãi hơn. Các nghiên cứu cũng cho thấy kết hợp các tác nhân miễn dịch có thể đem lại nhiều lợi ích hơn.
Ngoài ra có một số thuốc miễn dịch theo cơ chế khác, tuy nhiên ít được sử dụng. Cytokine là các protein được tạo ra bởi các tế bào của cơ thể, có vai trò quan trọng trong đáp ứng miễn dịch chống lại tế bào ung thư. Hai loại cytokine chính đã được áp dụng điều trị ung thư là interferons và interleukins. BCG viết tắt của Bacillus Calmette-Guérin, là một dạng hoạt động yếu của trực khuẩn lao (không còn khả năng gây bệnh lao nữa), là một phương pháp miễn dịch tại chỗ điều trị ung thư bàng quang. BCG được đưa trực tiếp vào bàng quang qua ống xông tiểu, kích hoạt đáp ứng miễn dịch tại chỗ chống lại tế bào ung thư.
3. Liệu pháp miễn dịch được chỉ định trong trường hợp nào?
Liệu pháp miễn dịch ( chủ yếu là các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch ) hiện nay được áp dụng rộng rãi trong điều trị nhiều bệnh ung thư khác nhau và ngày càng cho thấy nhiều triển vọng mở rộng phạm vi chỉ định. Cho đến trước khi Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt thuốc ức chế các điểm kiểm soát miễn dịch điều trị u hắc tố ác tính giai đoạn muộn vào năm 2011, tuổi thọ của bệnh nhân mắc bệnh này thường được đo lường bằng tháng. Tuy nhiên, liệu pháp miễn dịch mới đã giúp kéo dài thời gian sống thêm theo năm. Chỉ 3 tháng sau, FDA đã mở rộng chỉ định cho ung thư phổi giai đoạn muộn, điều này có ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì ung thư phổi là loại ung thư ác tính, tiên lượng tồi, và là ung thư phổ biến nhất. Sau đó các nghiên cứu lần lượt chứng minh hiệu quả trong nhiều loại ung thư khác nhau. Hiện nay các chỉ định đã được phê duyệt bao gồm ung thư hắc tố, ung thư phổi, ung thư đường niệu, ung thư đầu cổ, ung thư gan, ung thư ống tiêu hoá ( thực quản, dạ dày, đại trực tràng), u lympho, ung thư cổ tử cung, ung thư vú. Trong các bệnh lý này, liệu pháp miễn dịch hầu hết được sử dụng cho giai đoạn tiến triển di căn ( ung thư xâm lấn rộng, di căn hạch bạch huyết và di căn xa như gan, phổi, xương, não…), và đạt hiệu quả cao nhất ở bệnh nhân có mức độ bộc lộ PDL1 cao trên xét nghiệm hoá mô miễn dịch. Các thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch cũng chứng minh được lợi ích về đáp ứng và sống thêm ở hầu hết các bệnh lý khối u đặc ác tính có tình trạng mất ổn định vi vệ tinh ( MSI ) mức độ cao. Mất ổn định vi vệ tinh là tình trạng suy giảm hoạt động của các gen sửa lỗi ghép cặp AND, thể hiện thông qua thiếu hụt các protein sửa chữa tương ứng là MLH1, MSH2, MSH6, PMS2. Nếu mất 1 hoặc nhiều hơn các dấu ấn này, khối u được xem là có thiếu hụt sửa chữa ghép cặp sai hay mất ổn định vi vệ tinh.
Các nhà nghiên cứu đang cố gắng tìm hiểu tại sao một số ung thư không đáp ứng với điều trị miễn dịch và tìm cách cải thiện bằng cách kết hợp miễn dịch với hoá trị, điều trị đích và các thuốc miễn dịch theo các cơ chế khác nhau nhằm mang lại lợi ích cho nhiều bệnh nhân hơn. Kết hợp với các phương thức khác và nghiên cứu điều trị miễn dịch ở bệnh nhân giai đoạn sớm chính là hướng phát triển trong tương lai của liệu pháp miễn dịch.
4. Liệu pháp miễn dịch cũng có các tác dụng phụ
Liệu pháp miễn dịch được thực hiện chu kỳ. Mặc dù nhìn chung sẽ “nhẹ nhàng” hơn, “dễ dàng” dung nạp hơn so với điều trị hoá chất, tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp phải một số tác dụng phụ. Mức độ tác dụng phụ tuỳ thuộc vào tình trạng sức khỏe, đặc điểm sinh học của người bệnh, loại ung thư, loại thuốc miễn dịch và liều lượng.
Hầu hết các tác dụng phụ ở mức độ nhẹ và có thể tự hồi phục trong quá trình điều trị. Tác dụng phụ hay gặp nhất là phản ứng da như ngứa, khô da, nổi ban. Các tác dụng phụ thường gặp khác gồm:
- Hội chứng “giống” cúm: sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và nôn, đau mỏi cơ và các khớp, đau đầu…
- Tiêu chảy.
- Phù (mặt, chân tay sưng nề) do thuốc có tác dụng giữ nước trong cơ thể.
- Thay đổi nội tiết tố, bao gồm cả suy giáp, suy tuyến thượng thận.
- Tăng nguy cơ viêm các cơ quan.

  1. Francisco LM, Salinas VH, Brown KE, et al. PD-L1 regulates the development, maintenance, and function of induced regulatory T cells. J Exp Med 2009; 206:3015.
  2. Amarnath S, Mangus CW, Wang JC, et al. The PDL1-PD1 axis converts human TH1 cells into regulatory T cells. Sci Transl Med 2011; 3:111ra120.
  3. Spranger S, Spaapen RM, Zha Y, et al. Up-regulation of PD-L1, IDO, and T(regs) in the melanoma tumor microenvironment is driven by CD8(+) T cells. Sci Transl Med 2013; 5:200ra116.
  4. Naidoo J, Page DB, Li BT, et al. Toxicities of the anti-PD-1 and anti-PD-L1 immune checkpoint antibodies. Ann Oncol 2015; 26:2375.
  5. Champiat S, Lambotte O, Barreau E, et al. Management of immune checkpoint blockade dysimmune toxicities: a collaborative position paper. Ann Oncol 2016; 27:559.
  6. Wang DY, Salem JE, Cohen JV, et al. Fatal Toxic Effects Associated With Immune Checkpoint Inhibitors: A Systematic Review and Meta-analysis. JAMA Oncol 2018; 4:1721.

ThS. BS Phạm Tuấn Anh

Phó Trưởng Khoa Điều trị A - Bệnh viện K

Cập nhật bởi VIỆN UNG THƯ QUỐC GIA