Nói tới điều trị ung thư nói chung và ung thư hệ tạo huyết nói riêng, phần lớn mọi người đều nghĩ tới phẫu thuật, hóa trị, xạ trị mà không biết rằng liệu pháp tâm lý cũng có vai trò vô cùng quan trọng nhưng đang bị xem nhẹ. Thực tế, có tới 82% người bệnh có nhu cầu được tư vấn lâm lý để giải tỏa lo âu, trầm cảm. Điều này cho thấy tầm quan trọng của trị liệu tâm lý cho bệnh nhân ung thư.

1. Các giai đoạn tâm lý của bệnh nhân ung thư

1.1. Giai đoạn đi thăm khám bệnh.

Nhiều bệnh nhân chỉ nghĩ đến ung thư là đã hoảng hốt mất ăn, mất ngủ. Nhưng cũng có nhiều người chủ quan, khi đi khám thì đã quá muộn. Trong hoàn cảnh đó cần an ủi bệnh nhân bằng niềm tin vào chuyên môn và nghề nghiệp: Có những xét nghiệm chính xác để phát hiện ung thư, và có những biện pháp điều trị đặc hiệu.

Khi người bệnh có những thái độ không phù hợp như: Quan trọng hóa vấn đề, quá lo lắng, chối bỏ sự thật cần động viên họ, và đảm bảo với họ rằng sẽ có được chăm sóc y tế tốt nhất, chẩn đoán chính xác và nhanh chóng, điều trị có tiên lượng tốt.

1.2. Giai đoạn chẩn đoán bệnh

Khi phát hiện ra bệnh người bệnh thường có các phản ứng như:

Choáng váng, mất lòng tin: phản ứng này đôi khi nặng nề tới mức không thể nói được gì thêm về các kế hoạch điều trị. Bác sĩ lúc này phải có thái độ hỗ trợ và một buổi hẹn khác là cần thiết.

Chối bỏ sự thật: Đây cũng là phản ứng bình thường không cần phải xác định thêm.

Tức giận: Lúc này bệnh nhân cần được động viên tránh các thái độ thù địch với thầy thuốc, gia đình, bạn bè, tôn giáo. Bác sĩ tuyệt đối không được biểu hiện tức giận như là cuộc khiêu khích cá nhân.

Lo lắng: Sự hỗ trợ về tình cảm, những đảm bảo về chăm sóc sẽ làm nhẹ đi, tạo ra mối lo lắng có hiểu biết.

Thất vọng: Một nỗi thất vọng, đau buồn có thể xảy ra, nếu sự bi quan nặng nề cần được can thiệp.

Chối bỏ sự thật thái quá: Điều này ảnh hưởng tới điều trị cho bệnh nhân, cần thảo luận với bệnh nhân, nếu thấy không ổn phải khám tâm thần.

Thất vọng và chán trường: Nỗi thất vọng có thể xuất hiện bất cứ lúc nào sau khi được chẩn đoán ung thư. Các triệu chứng Thần kinh thực vật như chán ăn, đoản hơi, Mất ngủ và các triệu chứng Tâm thần như thất vọng, mất tập trung, hoang tưởng tội lỗi cho thấy nỗi thất vọng sâu sắc. Thêm nữa, bệnh nhân có thể từ chối điều trị nếu như suy nghĩ là không tránh được cái chết. Trong trường hợp này, việc tham khảo chuyên khoa Tâm thần sớm là cần thiết.

Đi tìm các điều tự thay thế: Việc dùng các phương pháp điều trị có thể không tác dụng nhưng không gây đau đớn phối hợp với điều trị chuẩn không nên phản đối. Tuy nhiên khi bệnh nhân ham muốn khỏi bệnh nhanh, xa rời những điều trị đúng đắn, lạc hướng vào các thủ pháp lang băm cần được khám tâm thần để hiệu chỉnh tâm lý…

Ở giai đoạn đầu khi mới được chẩn đoán, bệnh nhân thường hẫng hụt, thất vọng

1.3. Giai đoạn điều trị ban đầu

Ở mỗi hình thái điều trị ung thư đều mang tới những thách thức tâm lý riêng.

Phẫu thuật

Hầu hết các bệnh nhân ung thư quan niệm phẫu thuật là một phương pháp chữa khỏi bệnh tốt nhất. Tuy nhiên do tính xâm nhập, phẫu thuật làm cho bệnh nhân cảm thấy sợ hãi hoặc lo ngại, các phản ứng dằn vặt vì thay đổi hình dạng của cơ thể, lúc này cần động viên bệnh nhân tránh cảm giác này bằng cách giải thích và an ủi, hoặc những giải pháp thực tế sau phẫu thuật tàn phá như tạo hình, bộ phận thay thế giả...cần được thảo luận.

Khi bệnh nhân có những phản ứng như lẩn tránh, tạo ra mọi cớ trì hoãn, chối bỏ phẫu thuật vì quá sợ, lúc này cần có sự can thiệp của bác sĩ tâm lý.

Ở những bệnh nhân không được giải thích đầy đủ, mối lo thái quá sẽ đi tìm các phương pháp điều trị thay thế phẫu thuật. Phẫu thuật viên và đội chăm sóc ung thư cần cảnh báo thái độ này, vì có thể dễ dàng làm giảm sự lo lắng thái quá và tiến hành các chăm sóc phẫu thuật thuận lợi hơn.

Các tình huống thất vọng sau mổ xảy ra rất thông thường, hay những phản ứng dằn vặt kéo dài và nặng nề, nhất là khi phẫu thuật không mang lại hiệu quả cụ thể. Nếu như tình huống này biểu hiện thái quá cần can thiệp của chuyên gia tâm lý.

Xạ trị

Các mục tiêu điều trị tia xạ cần được giải thích đầy đủ cho bệnh nhân như: mục đích triệt căn, tạm thời, hay kiểm soát u tại chỗ...

Các phản ứng như sợ máy móc và các tác dụng phụ, khi đó những lời giải thích về nguyên tắc cơ bản của điều trị tia xạ sẽ giúp sửa chữa được quan niệm sai lầm đó cùng với đó là bàn bạc chi tiết về các tác dụng phụ và các điều trị tác dụng phụ đó sẽ làm bệnh nhân hết sợ.

Bệnh nhân sợ thầy thuốc gia đình hoặc cơ sở bỏ mặc hết trách nhiệm hoặc bị bỏ rơi giữa các công đoạn điều trị, vì vậy việc tiếp xúc thường xuyên với thầy thuốc gia đình là cần thiết.

Khi bệnh nhân có ảo giác hoặc ảo tưởng, từ chối điều trị cần gửi thăm khám giải quyết tâm lý.

Hóa trị

Ngày nay, nỗi sợ điều trị hóa chất, cùng với tác dụng phụ của nó còn hơn cả nỗi sợ ung thư.

Lo lắng trước điều trị: Các tác dụng phụ của hóa trị liệu tác động làm bệnh nhân lo ngại và thất vọng, khi này các kỹ thuật thư giãn gồm thôi miên, ức chế sinh học, giãn cơ đều làm tăng sự tham gia tích cực của bệnh nhân vào quá trình điều trị. Ví dụ như dùng 0,5 mg Iorazepam 3 lần/ngày làm giảm mức lo lắng và quên được những sự kiện khó chịu. Thay đổi hình ảnh của cơ thể. Mặc dù rụng tóc là một mối lo ngại lớn, việc chuẩn bị gồm mang tóc giả, trang điểm, săn sóc da đã làm giảm đáng kể tác động rụng tóc. Việc hiến tặng các cơ quan như cho tủy sống theo nguyện vọng cần được khuyến khích và tán thành vì nó nuôi dưỡng những tình cảm tốt đẹp mà một số lợi ích có thể phát sinh từ tình huống khó khăn.

Một số thuốc hóa chất hoặc thuốc phối hợp gây mất định hướng, ảo giác, hoặc ảo tưởng cho người bệnh. Hội chứng Não thực thể do thầy thuốc có thể có những biểu hiện ở các hoàn cảnh khác như nhiễm trùng hay sốt. Các biện pháp hỗ trợ (như an ủi và giải thích đầy đủ cho bệnh nhân điều gì sẽ xảy ra) giảm liều, trung hòa bằng thuốc đối vận, và các thuốc tâm thần có thể chỉ dùng tùy theo mức nặng của triệu chứng,

Các rối loạn về tâm lý do cách ly nhiều bệnh nhân giảm bạch cầu phải ở trong môi trường cách ly. Thiếu vắng sự tiếp xúc về thể xác có thể dẫn đến cảm giác cô đơn, âu sầu, thậm chí rối loạn tâm thần. Những nhu cầu tình cảm hỗ trợ cho bệnh nhân mắc ung thư trong hoàn cảnh này cần phải xem xét để thỏa mãn, nếu cần phải hỏi ý kiến các tâm lý học.

Rụng tóc là mối lo ngại lớn cho bệnh nhân ung thư.

1.4. Giai đoạn tái phát

Tác động tâm lý khi bệnh tái phát cũng tương tự như lúc chẩn đoán ban đầu, tuy nhiên tình hình phức tạp hơn do nguy cơ thất bại cao hơn. Vì vậy cần phải thảo luận các mục tiêu điều trị và có thể duy trì được niềm hy vọng thực tế. Bác sĩ cần biết rằng với từng công đoạn điều trị, người bệnh có phản ứng khác nhau và có thể càng ngày càng khó khăn hơn. Bệnh nhân có thể chịu đựng lần một, lần hai, lần ba nhưng luôn đột xuất đòi hỏi có sự hỗ trợ chuyên môn.

1.5. Giai đoạn cuối

Hầu hết các bệnh nhân đều ý thức được tiến trình bất khả kháng của bệnh tật ở giai đoạn cuối, dù có được giải thích hay không. Một số nỗi sợ hãi và mối quan tâm đặc biệt có thể phải gửi đi khám tâm thần và điều trị tâm thần hỗ trợ, thuốc chữa tâm thần cần phải chỉ định đúng lúc.

Thông thường bệnh nhân hay lo lắng ung thư ở giai đoạn cuối họ sẽ không được quan tâm đặc biệt của các nhân viên y tế. Vì vậy cần đảm bảo cho bệnh nhân thấy bác sĩ và đội ngũ y tế vẫn tiếp tục chăm sóc. Khi bệnh nhân gần chết thái độ tích cực và hỗ trợ của bác sĩ có thể làm giảm nhẹ nỗi đau buồn của người bệnh và gia đình.

Ở giai đoạn cuối người bệnh có thể cảm thấy lo lắng biến dạng cơ thể và mất phẩm giá, sợ đau, sợ bỏ dở công việc hoàn thành. Khi đó hãy đảm bảo cho bệnh nhân rằng họ không bị bỏ rơi và những chăm sóc y tế tốt nhất gồm cả việc giảm đau do ung thư được phục vụ đầy đủ.

2.Tầm soát trầm cảm liên quan tới ung thư

Hiệp hội Ung thư Lâm sàng Hoa Kỳ ( ASCO) khuyến khích việc tầm soát trầm cảm ở những bệnh nhân mắc ung thư. Việc tầm soát nên được thực hiện ngay khi bệnh nhân nhận chẩn đoán và việc này cũng phải được diễn ra định kỳ trong và sau khi điều trị.

Yêu cầu điều trị sẽ phụ thuộc vào việc bệnh nhân có bao nhiêu triệu chứng trầm cảm và độ thường xuyên của nó.

Mặc dù bạn có thể khó giải thích, nhưng hãy thử nói về trải nghiệm của bạn cho nhóm chăm sóc sức khỏe những điều sau:

  • Cảm nghĩ của bạn ra sao
  • Căn nguyên/ nguồn gốc cụ thể của những việc bạn quan tâm là gì?
  • Những triệu chứng trong cơ thể của bạn.
  • Những ảnh hưởng đối với cuộc sống hằng ngày của bạn.

Điều này sẽ giúp cho nhóm chăm sóc nắm được vấn đề của bạn và lên kế hoạch điều trị.

  1. Một số phương pháp cải thiện tâm lý cho bệnh nhân ung thư hệ tạo huyết

3.1 Nhận sự trợ giúp của người thân

Mắc ung thư có thể khiến người bệnh mất tự tin (do ngoại hình không còn như xưa, cảm giác mình là gánh nặng cho gia đình, vv..), có xu hướng thu mình lại và chịu đựng trong im lặng. Điều này có thể dẫn đến những bất ổn tâm lý vốn có trở nên trầm trọng hơn. Do vậy, thay vì sống trong thế giới mà chỉ có bạn và ung thư, bạn hãy chia sẻ cảm xúc với những người bạn thực sự tin tưởng. Cuộc sống sẽ dễ dàng hơn hơn khi xung quanh bạn có những người thật sự yêu thương, quan tâm và sẵn sàng hỗ trợ bạn.

Với người thân, việc động viên người khác đúng cách không phải lúc nào cũng dễ dàng. Mặc dù đều xuất phát từ sự quan tâm, lo lắng nhưng những lời động viên quá chung chung, thiếu tinh tế hoặc không phù hợp, có thể vô tình làm người bệnh cảm thấy bị “áp lực” và tổn thương nhiều hơn. 

3.2 Lên kế hoạch và ưu tiên vấn đề quan trọng

Liệt kê những việc quan trọng trong đời, những mục tiêu mà bạn muốn thực hiện trước khi bắt đầu điều trị. Bạn nên chia sẻ những mục tiêu này với bác sỹ điều trị- người mà hơn ai hết sẽ cho bạn biết kế hoạch điều trị, phác đồ điều trị cũng như tình trạng sức khỏe trong thời gian tới. Mục đích cuối cùng là nhằm đảm bảo việc điều trị ung thư được thực hiện một cách tối ưu nhất, đồng thời những mục tiêu quan trọng trong cuộc sống của bạn không những không bị bỏ lỡ mà còn được thực hiện trong trạng thái sức khỏe tốt nhất có thể.

Lên kế hoạch cụ thể cho từng ngày, dành thời gian cho việc ngủ đủ giấc, ăn uống điều độ, uống đủ nước, vận động thường xuyên và giải trí phù hợp tùy theo tình trạng sức khỏe. Việc lên kế hoạch chi tiết không những là cơ sở để có sức khỏe thể chất dẻo dai mà còn giúp những suy nghĩ tiêu cực “không có thời gian” làm phiền tới bạn. Bạn nên nhờ tư vấn của bác sỹ điều trị để có chế độ sinh hoạt phù hợp nhất với tình trạng sức khỏe của bạn.

3.3 Tham gia các nhóm hỗ trợ

Tham gia một nhóm hỗ trợ người bệnh ung thư trong bệnh viện hoặc ngoài cộng đồng có thể giúp bạn giải tỏa căng thẳng. Việc giao lưu và đồng hành cùng với những người bệnh ung thư khác trong cộng đồng–những người đã và đang có trải nghiệm về ung thư giống như bạn có thể sẽ mang lại cho bạn những kinh nghiệm tích cực về cách điều chỉnh bản thân để ứng phó tốt hơn với bệnh tật, cách vượt khó khăn khi cần đưa ra quyết định điều trị, các vấn đề phát sinh khác về gia đình, công việc, …Bạn cũng cần tìm hiểu kỹ về các nhóm hỗ trợ trước khi quyết định tham gia để có lựa chọn phù hợp với bản thân và tránh tham gia vào những nhóm tuyên tuyền thông tin sai lệch hoặc lợi dụng để bán hàng chuộc lợi. Một số nhóm hỗ trợ người bệnh ung thư mà bạn có thể tham khảo như: CLB Bệnh nhân ung thư hệ tạo huyết – do Quỹ ngày mai tươi sáng thành lập.

https://zalo.me/g/dzfadw933

 

3.4 Viết nhật ký

Nếu trước đây bạn chưa có thói quen viết nhật ký thì đây là lúc bạn có thể thực hiện điều này. Viết nhật ký là khoảng thời tuyệt vời mà bạn được yên tĩnh để “trò chuyện” với chính mình mà không bị ai làm phiền. Việc ghi lại những cảm nhận của bản thân trong một ngày, một tuần và theo dõi xem số trang viết về cảm xúc tiêu cực và tích cực bạn thay đổi như thế nào theo thời gian có thể mang lại nhiều trải nghiệm thú vị khiến bạn ngạc nhiên trong hành trình điều trị của mình.

3.5 Tìm đến chuyên gia tâm lý

Những rối loạn về tâm lý sẵn có của một người thường có xu hướng trầm trọng hơn khi mắc ung thư. Khi bạn hoặc người thân gặp các vấn đề nghiêm trọng hơn về sức khỏe tâm thần như: rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, trầm cảm, lạm dụng chất gây nghiện hoặc thậm chí là có ý định tự sát, …thì nên được điều trị bởi bác sỹ chuyên khoa tâm lý/tâm thần, những người có khả năng đánh giá và điều trị các bất ổn tâm lý từ vừa đến nặng bằng các liệu pháp tâm lý và thuốc phù hợp.

Ths.BS Vương Sơn Thành – TT Huyết học – Bệnh viện Bạch Mai.