UNG THƯ MÁU CẤP TÍNH LÀ BỆNH GÌ ?

Ung thư máu cấp tính hay còn gọi là Lơ-xê-mi cấp. Đặc trưng của bệnh là sự tăng sinh nhanh chóng các tế bào non ác tính (tế bào blast) trong tủy xương, lan tràn ra máu ngoại vi và tích lũy trong các cơ quan khác. Những tế bào bất thường này không thể chống lại nhiễm trùng và làm suy yếu khả năng tạo ra các tế bào hồng cầu và tiểu cầu bình thường của tủy xương.

Bệnh ung thư máu cấp tính được ghi nhận lần đầu tiên năm 1827.  Theo thời gian bệnh có nhiều tên gọi như khác nhau như Leucocythemia (tăng bạch cầu), hay bệnh White blood (máu trắng). Cuối cùng bệnh này có tên mà đến bây giờ vẫn đang được sử dụng, đó là Leukemia (Lơ-xê-mi).

Theo phân loại của các nhà huyết học Pháp-Mỹ-Anh (FAB), ung thư máu cấp tính được chia thành Lơ-xê-mi cấp dòng tủy (từ thể M0 đến M7) và Lơ-xê-mi cấp dòng lympho ( từ thể L1 đến L3). Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân loại bệnh ung thư máu cấp theo đặc điểm tế bào, miễn dịch và bất thường di truyền cũng như tiền sử điều trị. Bệnh ung thư máu cấp thường tiến triển nhanh, cần phải điều trị sớm.

AI CÓ NGUY CƠ MẮC BỆNH ?

Mặc dù các chuyên gia không chắc chắn về nguyên nhân gây ra ung thư máu cấp tính, tuy nhiên họ đã xác định được một số yếu tố nguy cơ gây bệnh bao gồm:

- Tiếp xúc với tia xạ.

- Tiếp xúc nhiều lần với một số hóa chất (ví dụ: benzen…).

- Nhiễm virus HTLV1, HTLV2.

- Sau hóa trị, sau các bệnh rối loạn sinh tủy/tăng sinh tủy ác tính

- Người mắc bệnh di truyền như hội chứng Down…

TRIỆU CHỨNG BAN ĐẦU CỦA BỆNH NHƯ THẾ NÀO ?

Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào thời điểm và thể bệnh ung thư máu cấp, nhưng chúng có thể bao gồm:

- Sốt kéo dài, dễ nhiễm trùng, ra nhiều mồ hôi đêm.

- Gầy sút cân nhanh, xanh xao, mệt mỏi.

- Gan to, lá lách to, hạch to, phì đại lợi, đau xương.

- Xuất huyết trên da hay chảy máu khó cầm…

LÀM XÉT NGHIỆM GÌ ĐỂ CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH BỆNH ?

Làm xét nghiệm máu, nếu nghi ngờ ung thư máu cấp tính sẽ được chỉ định làm thêm xét nghiệm tủy xương để chẩn đoán xác định bệnh (tế bào non ác tính chiếm tỷ lệ ≥ 20% các tế bào có nhân trong tủy xương, các dòng hồng cầu, bạch cầu hạt và mẫu tiểu cầu bị lấn át bởi tế bào non ác tính). Đồng thời làm thêm các xét nghiệm di truyền, miễn dịch và các xét nghiệm khác để phân loại thể bệnh, phân nhóm nguy cơ, theo dõi điều trị.

BỆNH ĐƯỢC ĐIỀU TRỊ NHƯ THẾ NÀO ?

Điều trị phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe của người bệnh và loại ung thư máu cấp tính. Bệnh nhân có thể được kết hợp điều trị nhiều phương pháp bao gồm: hóa trị liệu, thuốc miễn dịch điều trị ung thư, thuốc nhắm đích, xạ trị, ghép tế bào gốc và phối hợp với các điều trị hỗ trợ khác như gạn tách tế bào máu, truyền chế phẩm máu, điều trị nhiễm trùng, điều trị rối loạn đông máu… hoặc tham gia vào một số điều trị thử nghiệm lâm sàng nếu có.

Ung thư máu cấp tính thường trải qua nhiều đợt điều trị bao gồm tấn công, củng cố và duy trì. Trong quá trình điều trị tại viện cũng như thời gian ở nhà, bệnh nhân cần được làm các xét nghiệm kiểm tra định kỳ, đảm bảo vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn chín uống sôi, đủ chất dinh dưỡng và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ.

Với sự tiến bộ của y học hiện nay thì việc điều trị ung thư máu cấp tính đã đạt được nhiều kết quả khả quan, kéo dài đáng kể thời gian sống thêm cho người bệnh.

BỆNH CÓ PHÒNG NGỪA ĐƯỢC KHÔNG ?

Nguyên nhân của bệnh ung thư máu cấp tính vẫn chưa rõ ràng, nên không có cách nào để ngăn chặn triệt để bệnh phát sinh. Tuy nhiên, có lối sống lành mạnh, tránh tiếp xúc với các dung môi, hóa chất và tránh tiếp xúc không cần thiết với tia xạ nói chung là cách thức tốt để phòng bệnh. Nếu bạn nghĩ rằng mình có dấu hiệu của bệnh ung thư máu cấp tính, nhận thức được các yếu tố nguy cơ và triệu chứng của bệnh, khi đó việc đi khám làm xét nghiệm kiểm tra là rất quan trọng để được chẩn đoán xác định bệnh và điều trị sớm.

Ths.Bs Nguyễn Quốc Nhật

Phó trưởng Khoa điều trị hóa chất, Viện Huyết học-Truyền máu TW