Bệnh ung thư vú hiện nay ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Phương pháp điều trị chủ yếu vẫn là điều trị đa mô thức với phẫu thuật là phương pháp điều trị quan trọng nhất.
Phẫu thuật trong Ung thư vú không phải là phẫu thuật quá nặng nề, tuy nhiên bệnh nhân vẫn cần được sự chăm sóc hậu phẫu từ cả nhân viên y tế và người nhà bệnh nhân. Vậy người nhà, người chăm sóc bệnh nhân cần theo dõi và làm những gì
Ngày phẫu thuật
Đây là thời điểm theo dõi quan trọng đối với bệnh nhân và cần sự chăm sóc đặc biệt. Đa phần bệnh nhân đã tỉnh táo và có thể nói chuyện từ phòng hậu phẫu và trở về khoa lâm sàng. Người chăm sóc cần để ý đến một số điểm sau:
- Ý thức bệnh nhân: Nếu bệnh nhân ý thức giảm dần, mất ý thức, gọi hỏi không đáp ứng, người chăm sóc báo ngay đến nhân viên y tế
- Biến chứng sớm sau mổ: Phẫu thuật Ung thư vú không có nhiều biến chứng sớm. Biến chứng hay gặp nhất là chảy máu. Nếu người chăm sóc bệnh nhân thấy vết mổ căng nề nhanh trong thời gian ngắn, có máu đỏ tươi chảy qua vết mổ hoặc nhiều máu đông trong dẫn lưu, thông báo ngay cho nhân viên y tế
- Sinh hoạt: Bệnh nhân sau mổ thường rất yếu, khả năng vận động kém, người chăm sóc nên ở bên cạnh để phụ giúp bệnh nhân trong một số sinh hoạt cá nhân: vệ sịnh, ăn uống, thay quần áo… Không cho bệnh nhân tắm ngày đầu phẫu thuật. Nêú bệnh nhân có nhu cầu đặc biệt phải đi lại, tuỳ thuộc vào sức khoẻ bệnh nhân, cho bệnh nhân ngồi dần tựa thành giường, sau một lúc ổn định mới dìu bệnh nhân đi
- Dinh dưỡng: Cho bệnh nhân ăn theo nhu cầu, nếu bệnh nhân tỉnh táo, không bị nôn nhiều, có thể cho bệnh nhân ăn nhẹ bằng sữa hoặc cháo loãng, ăn vừa đủ chia nhiều bữa nhỏ cách mỗi 2 – 3 giờ
- Báo cho nhân viên y tế nếu bệnh nhân có những bất thường khác
Tuần đầu sau phẫu thuật
Đa só bệnh nhân đều có thể trở lại sinh hoạt gần như bình thường ngay ngày thứ 2 sau phẫu thuật Ung thư vú. Người chăm sóc cần theo dõi một số điểm sau
- Tiếp tục theo dõi các bất thường, biến chứng của bệnh nhân và báo nhân viên y tế ngay khi phát hiện. Người chăm sóc cần tiếp tục theo dõi màu sắc, số lượng dịch dẫn lưu, tình trạng vết mổ để tiếp tục theo dõi biến chứng chảy máu, đọng dịch, rò dưỡng chấp.
- Giúp đỡ bệnh nhân trong một số sinh hoạt hàng ngày nếu bệnh nhân còn yếu, cảm thấy khó vận động, bệnh nhân cao tuổi
- Nếu bệnh nhân có những bệnh lý mãn tính khác: tim mạch, tiểu đường, bệnh miễn dịch… cho bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc theo chuyên khoa nếu không chống chỉ định đối với bệnh nhân sau phẫu thuật, nên hỏi nhân viên y tế trước khi sử dụng
- Dinh dưỡng: Bệnh nhân đã có thể ăn uống như bình thường. Nếu bệnh nhân yếu hoặc ăn uống không ngon miệng, có thể thay đổi món ăn: sữa, cháo, bún… Bổ sung các thức ăn đầy đủ dinh dưỡng, các vitamin thiết yếu. Gặp nhân viên y tế hoặc các bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng cho bệnh nhân sau mổ Ung thư vú
- Tập tay: Giúp đỡ bệnh nhân vận động tay sớm theo các bài tập tay được hướng dẫn
- Tinh thần: Bệnh nhân nữ sau mổ Ung thư vú, đặc biệt là các bệnh nhân trẻ tuổi thường có những tổn thương tâm lý khá lớn, cần có người chăm sóc quan tâm, hỏi han
Sau khi ra viện
Bệnh nhân Ung thư vú có thể sinh hoạt bình thường ngay sau khi điều trị Ung thư vú. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn cần sự quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ lớn của người nhà
- Giúp đỡ trong theo dõi tình trạng bệnh, khám định kì
- Giúp đỡ trong sinh hoạt hàng ngày, làm việc. Tránh để bệnh nhân làm việc quá nặng, đặc biệt là tay bên phẫu thuật nếu có phẫu thuật hạch nách như không xách quá 5kg, không đo huyết áp, hạn chế tiêm truyền tay bên vét hạch.
- Giúp đỡ trong tâm lý bệnh nhân
- Giúp đỡ bệnh nhân trong tập thể dục, nâng cao sức khoẻ
- Giúp đỡ bệnh nhân trong chế độ dinh dưỡng đủ chất, bệnh nhân không phải kiêng cữ với bất kì loại đồ ăn nào, nên ăn phù hợp với sức khoẻ
Ths.BS Bùi Anh Tuấn - Khoa ngoại B, Bệnh viện K
BSCKII. Nguyễn Anh Luân – Trưởng khoa Ngoại tuyến vú, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM